Giải pháp nào xử lý cát sau nạo vét sông Cổ Cò?
(QNO) - Cơ quan chức năng đang tính toán hướng xử lý tạm thời cũng như căn cơ với hơn 1,3 triệu m³ cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò.
Giải pháp tình thế
Việc triển khai dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP.Hội An (Km0 - Km14) thời gian qua đã tạo ra một lượng cát lớn khoảng 1,3 triệu mét khối tập kết ở một số khu vực dọc theo bờ sông hơn 3 năm nay.
Do 2 lần bán đấu giá nhưng không ai mua vào năm 2022, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang hoàn chỉnh thủ tục, phương án theo Thông báo 139 của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện đấu giá.
Giá khởi điểm để bán đấu giá vật liệu (cát) sau nạo vét Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP.Hội An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2216 ngày 24/8/2022 có đơn giá là 144.000 đồng/m³. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh từng đề nghị điều chỉnh giảm giá khởi điểm xuống mức 119.000 đồng/m³ nhưng không được chấp thuận.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất bổ sung thêm 1 bãi chứa tại thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) với diện tích khoảng 1,5ha để tập kết tạm thời khoảng 150 nghìn mét khối cát sau nạo vét.
“Nếu chúng ta muốn đẩy nhanh việc nạo vét đoạn Km0 - Km3+900 qua đó khơi thông khu vực giáp ranh Hội An - Điện Bàn thì cần phải sớm thiết lập bãi chứa này. Bãi này ở phía nam cầu Cửa Đại, trước đây từng phục vụ tập kết vật liệu để xây dựng cầu Cửa Đại, hiện nay chủ yếu thuộc quản lý của xã nên cũng tương đối thuận lợi để thiết lập” - ông Tâm nói.
Dù vậy đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để xử lý khoảng 150 nghìn mét khối cát gần đó còn phương án tạo thêm các bãi chứa tạm thời khác để di chuyển hết số cát 1,3 triệu mét khối cát trong thời gian chờ đấu giá được theo cơ quan chức năng nhìn nhận là không khả thi bởi sẽ tốn thêm nguồn lực để vận chuyển, xử lý nguồn tài nguyên này.
Chờ đợi sự “ấm lên” từ thị trường
Theo nhận định chung, vì nhiều lý do vẫn sẽ khó có cá nhân, tổ chức nào đứng ra mua lượng cát này trong phiên đấu giá tới. Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh đề xuất trường hợp vẫn đấu giá không thành thì đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép sử dụng cát sau nạo vét sông Cổ Cò để phục vụ cho các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Điều trở ngại là qua kết quả thí nghiệm thì cát này bị nhiễm mặn không dùng cho xây dựng được. Do đó nếu dùng phục vụ cho các công trình thuộc dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh thì cũng chỉ có thể “chia nhỏ” để đắp nền một số hạng mục, công trình và gần như không thể tiêu thụ hết được lượng cát lên đến cả triệu mét khối.
Tại buổi làm việc mới đây về dự án nạo vét sông Cổ Cò, lãnh đạo tỉnh đề nghị các bên liên quan cần phải sớm có phương án căn cơ để đẩy nhanh việc tiêu thụ nguồn cát sau nạo vét này.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị cơ quan chức năng cần cân nhắc lại vấn đề giá, có phương án làm lại giá mới, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị tư vấn. Còn nếu cứ để mức giá trần như hiện nay thì sẽ tiếp tục luẩn quẩn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho hay, thời gian gần đây tín hiệu đáng mừng qua khảo sát thị trường thì cũng có một số đơn vị tại địa phương có nhu cầu về cát san lấp khu đô thị thăm dò về lượng cát này, hy vọng sắp tới sẽ có chuyển động về vấn đề này.
Thời gian qua hầu hết các dự án khu đô thị ở khu vực này đều “đứng bánh” trong khi đây là các chủ thể có nhu cầu lớn và phù hợp để tiêu thụ loại cát và lượng cát này. Do đó, việc đã và đang được tỉnh xem xét tạo điều kiện về tiến độ một số dự án khu vực này được chờ đợi sẽ sớm thúc đẩy vấn đề tiêu thụ cát sau nạo vét sông Cổ Cò.