Văn hóa - Văn nghệ

Quy hương về quê hương

ĐÌNH QUÂN 18/05/2024 15:19

Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà… Câu thơ Bùi Giáng nhắc gợi tâm thức về quê nhà. Quy hương về quê hương cũng là tư tưởng của nhiều thi nhân, triết gia và cả người bình thường...

c4269966bc661d384477.jpg
Quê nhà dù bất cứ ai đi xa đều hồi tưởng về. Ảnh: X.H

Quê nhà là gì mà từ người khách trọ, cho đến bao mặc khách tao nhân đều đau đáu nỗi niềm? Xưa, thi tiên Lý Bạch điềm nhiên gối đầu tĩnh lặng đôi câu: Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu hương tư cố hương (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương); đại thi hào Nguyễn Du thì mơ màng: Mối tình đòi đoạn vò tơ /Giấc hương quan luống lần mơ canh dài. Cố hương - quê xưa, hương quan - cổng làng đều gắn liền với những tình cũ nghĩa xưa.

Gần đây, chúng tôi có dịp về chơi quê bạn Đỗ Hiệp Đ., nhân đó dự ngày giỗ của mẹ bạn. Bạn tâm tình, đây là ngày giỗ mẹ nhưng là lần đầu tiên bạn có mặt sau hơn hai mươi năm lưu lạc ở phương trời Tây.

Ở bên kia, hễ đến ngày giỗ mẹ mình, dẫu thương nhớ cách mấy, cũng chỉ biết lẳng lặng để trong lòng vì mải lo cơm áo. Hơn nữa, bà con bạn bè đều ở nơi rất xa, dẫu có lòng mời họ về dự giỗ cũng là điều không thể.

Bạn nói, đành chỉ biết thắp lên nén hương, bày hoa quả với tấm lòng thành kính tưởng nhớ, vậy thôi! Bạn đồng cảm câu thơ Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị? (Quê hương khuất bóng hoàng hôn…).

Bạn nói, lần này về mình sống hẳn ở Việt Nam.

Lần giở “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu có chép: Trong Văn Tuyển quyển 29 do Thái tử Chiêu Minh, con trưởng Lương Vũ Đế biên soạn có dẫn câu đối: Hồ mã ỷ Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi (Ngựa Hồ theo gió Bắc/ Chim Việt đậu cành Nam.

Điển tích này được giải thích: ngựa nước Hồ ở phía Bắc (Trung Quốc) được hiến tặng cho Hán Vũ Đế nhưng dù thức ăn được cấp đầy đủ, ngựa vẫn buồn bã. Chỉ khi gió Bắc thổi qua thì hí lên vui mừng.

Cũng từ chuyện này nước Việt ở phía Nam hiến tặng bạch trĩ cho Thành Vương, bạch trĩ cứ chọn cành Nam mà đậu. Câu trên mang hàm nghĩa là dù giống loài nào đi nữa và dẫu có đi xa cũng không quên chốn quê nhà. Quê nhà dù bất cứ ai đi xa đều hồi tưởng và luôn tơ tưởng. Đó là làng mạc, là quê hương xứ sở Việt.

Trong “Im lặng hố thẳm”, Phạm Công Thiện luôn nêu bật một chữ rất quan trọng. Đó là chữ Việt, cũng có nghĩa là vượt qua. Tư tưởng Việt Nam tương lai phải hướng về tính cách vượt qua ấy, gọi gọn là hướng về Việt tính.

Vượt qua để về đâu?

Đi về nguồn, đi về quê hương.

Đi về quê hương là đi về tính thể của quê hương.

Tư tưởng Việt Nam phải quy hướng về quê hương, tư tưởng ấy là quy tưởng.

Thời vua Minh Mạng cho trồng cây ngô đồng trong đại nội, chắc hẳn ngài tin theo huyền thoại rằng phụng hoàng sẽ về đậu, đem lại thái bình thịnh vượng cho đất nước.

Câu chuyện xưa xa ấy tôi không biết. Hôm nao đứng trước hiên nhà phố thiếu rất nhiều bóng cây, duy chỉ có đôi chim sẻ tỉ mẩn tha từng sợi rơm vàng về làm tổ trên cột điện dậy lên trong tôi nỗi buồn xa vắng.

Đ. về hẳn Việt Nam là điều rất đáng mừng và chúng tôi sẽ được dịp gặp gỡ chuyện trò cùng bạn nhiều hơn. Tuy vậy, với dòng duyên sinh bất tận và sự chuyển động không ngừng của vô thường, thì cái vừa mới biểu hiện của ta liệu có bền lòng? Văng vẳng câu thơ ai hát đâu đây:

Biết bao thương nhớ cho vừa/ Gửi về phương ấy mịt mờ khói sương/ Chiều nay trên bến muôn phương/ Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi (Thuyền viễn xứ - Huyền Chi).

ĐÌNH QUÂN