Giữa đàng dân gian bàn chuyện
Bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong hệ thống chính trị hay ngoài xã hội không phải bây giờ mới được nhận diện. Những biểu hiện của bệnh ấy đã được Hồ Chủ tịch chỉ ra và cả trong dân gian cũng bàn nhiều.
Ngay khi đang phải lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm sức viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (soạn thảo xong tháng 10/1947, ký tên X.Y.Z. được Nhà xuất bản Sự thật in lần đầu năm 1948, dày 100 trang).
Đã 77 năm trôi qua, đọc lại tác phẩm ấy còn thấy nhiều bệnh trong Đảng cần phải luôn thức nhận để chữa trị, như các bệnh: ba hoa, chủ quan, ích kỷ, ham danh vị, bệnh hình thức, bệnh địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh hủ hóa, bệnh cẩu thả, bệnh lười biếng,…
Liên quan về ý thức trách nhiệm có thể dẫn ra hai loại bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra đến nay vẫn còn thấy đây đó trong hệ thống chính trị.
Ví dụ bệnh lười biếng: “Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”.
Hay như bệnh “hữu danh vô thực”: “Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”.
Như thế, những biểu hiện của bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm công vụ đã sớm xuất hiện và được nhận diện. Vấn đề là hiện nay, từ Trung ương Đảng đến các địa phương đều thấy bệnh này tái phát lan tràn nên phải cấp thiết tìm cách chữa trị.
Tỉnh ủy Quảng Nam cũng vừa tổ chức hội nghị quán triệt cho đảng viên toàn đảng bộ, qua đó nêu lên 12 nhóm hiện tượng/biểu hiện cần phải khắc phục (nội dung chi tiết độc giả có thể tìm hiểu từ các chuyên đề được phản ánh trên Báo Quảng Nam).
Những từ ngữ, thuật ngữ chính trị nêu ra liên quan về bệnh né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công vụ trong các báo cáo chuyên đề của cấp ủy đảng đều có thể tổng hợp, nghiên cứu.
Ở đây chỉ muốn đề cập là trong hay ngoài đảng đều có bệnh ấy mà dân gian cũng đã nói lâu rồi. Nay giữa đàng, thấy chuyện, dân gian lại có dịp khơi lên bàn luận, bằng khẩu ngữ, thành ngữ khá sắc sảo.
Nào là biểu hiện “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” là cách chỉ trích những ai nói quá nhiều mà làm quá ít, nói ba hoa chích chòe, khoe khoang, nói không đi đôi với làm.
Nào là biểu hiện “cha chung không ai khóc”, chỉ kẻ siêng việc riêng, nhác việc chung, vô trách nhiệm với cộng đồng. Tệ hơn, nếu thấy tư lợi cho mình thì mới làm việc theo kiểu “ăn cây nào rào cây nấy”.
Nào là “lánh nặng tìm nhẹ”, tức trốn tránh chức trách bổn phận phải làm, đùn đẩy, đẩy lên hoặc đẩy xuống công việc lẽ ra mình phải làm. Còn khi không thoái thác được thì “dễ làm khó bỏ”, làm cái chi cũng “được chăng hay chớ” mặc kệ kết quả ra sao.
Nào là tệ “đánh trống bỏ dùi”, làm việc không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm, bỏ dở dang. Hậu quả là “dở dở ương ương” bao việc. Ngay cả không tham nhũng, tư lợi thì chính lãng phí thời gian cũng gây thiệt hại không ít cho nhà nước và xã hội.
Bệnh né tránh đùn đẩy trách nhiệm công vụ có thể còn nhận diện nhiều biểu hiện nữa, nhưng về phía nhà nước đã có những bộ công cụ để đo triệu chứng. Chẳng hạn lấy chỉ số hài lòng của người dân là có thể chẩn đoán ngược bệnh này.
Với Quảng Nam, thước đo kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công - tức chỉ số SIPAS, năm 2023 đứng ở vị thứ 59/63 tỉnh thành cho thấy mức cảnh báo là rất cao về trách nhiệm công vụ.