Du lịch

Kết nối du lịch và thể thao

TẠ VỸ 19/05/2024 07:46

Các sự kiện thể thao lớn có thể kéo về địa phương lượng lớn khách du lịch chi tiêu cao, sử dụng nhiều dịch vụ. Và tất nhiên, doanh thu cho doanh nghiệp, địa phương cũng vì thế tăng lên.

z5439896658235_29e30a8d16d77f6a80e02efa0abab4b1.jpg
Tiếp nối thành công sự kiện Tamky Discovery năm 2022, Quảng Nam sẽ tổ chức sự kiện Quảng Nam Marathon 2024, dự kiến thu hút hơn 4.000 người tham dự.

Thực tế, du lịch thể thao thời gian qua đã thu hút được lượng lớn du khách về Quảng Nam và tạo ra những đóng góp tích cực với doanh thu toàn ngành.

Tiềm năng lớn cần được khai phá

Du lịch thể thao được đánh giá là giải pháp tối ưu để khắc phục tính mùa vụ của du lịch, cũng như đóng vai trò là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu.

Ngoài các sản phẩm về văn hóa, nhiều đề xuất mới trong việc gia tăng trải nghiệm của du khách như du lịch thể thao gắn với bộ môn golf, chạy bộ, thể thao dưới nước gắn với biển, đảo...

Theo đề xuất của các doanh nghiệp, cần có sự nghiên cứu và định hướng dài hạn từ phía địa phương.

Cụ thể, cần xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Địa phương cũng nên sớm có chiến lược quảng bá nhằm gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.

Đồng thời tại khu vực biển cần sớm cấp phép hoạt động đối với một số môn như ca nô kéo dù bay, phao kéo, đi bộ dưới đáy biển, thuyền buồm... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác phát triển dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng cần thu hút nhiều đơn vị tổ chức sự kiện thể thao lớn về tổ chức thực hiện tại địa phương. Từ đó, du lịch thể thao có thể cạnh tranh với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Khánh Hòa.

Tại chương trình kích cầu du lịch vừa qua, ông Võ Quang Liên Kha – Phó Tổng Giám đốc Vietravel đã đề xuất Sở VH-TT&DL Quảng Nam tính toán lại các sản phẩm du lịch thể thao.

Dẫn chứng bằng một ví dụ cụ thể, ông Kha cho hay giải đua thuyền máy tại Bình Định đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương này.

“Quảng Nam cần nghiên cứu tổ chức các giải golf mang tầm quốc gia và sau đó là quốc tế. Hiện nay các sản phẩm du lịch thể thao có chiều hướng phát triển tích cực, Quảng Nam có thể phát triển tốt lĩnh vực này khi các sản phẩm về golf, nghỉ dưỡng tại địa phương đang rất phát triển.

Với thương hiệu vốn có của TP. Hội An, ngành du lịch nên có tính toán để mang các sự kiện lớn về để tổ chức, từ đó hình thành trung tâm du lịch quốc tế như định hướng đã có sẵn”, ông Kha kiến nghị.

Gia tăng lợi thế cạnh tranh

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Hội An Express cho rằng khu vực phường Cẩm An (TP.Hội An) có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm mới.

dulichgolf-2-1-.jpg
Du lịch Golf đang được nhiều địa phương lựa chọn. Ảnh: T.V

Theo bà Anh, khu vực này có vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tự nhiên trong lành, đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương về các chính sách phát triển du lịch biển.

“Thế nhưng hiện nay khu vực vẫn chưa đồng bộ trong các điều kiện hướng về du lịch xanh (tái chế rác, giảm thiểu dùng đồ nhựa), chưa có các hoạt động thể thao biển chỉn chu. Vì vậy, Hội An nên đề xuất tỉnh xem xét sớm quy hoạch và triển khai lại hoạt động thể thao biển”, bà Quế Anh nói.

Ở góc độ quản lý địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết đã có một doanh nghiệp được cho phép tổ chức các hoạt động thể thao tại khu vực đảo “khủng long”.

Theo ông Sơn, doanh nghiệp này sẽ có vai trò tổ chức dịch vụ cũng như hỗ trợ cứu nạn trong trường hợp cần thiết. Thời gian tổ chức hoạt động thể thao sẽ diễn ra vào giai đoạn mùa hè và tạm ngừng vào những tháng mùa đông có thời tiết bất lợi. Qua đây sẽ làm thêm đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương, giảm tải cho vùng lõi di sản Đô thị cổ Hội An.

Về phát triển du lịch golf, ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) cho rằng, các công ty lữ hành chưa thực sự quan tâm đến mảng này. Chưa kể, nguồn nhân lực du lịch chưa được đào tạo chuyên nghiệp để ngành du lịch miền Trung kết nối với môn golf.

Theo ông Trí, các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực du lịch golf để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch golf quốc tế và trong nước.

Đồng thời tăng cường truyền thông để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu golf là một môn thể thao và là một ngành kinh tế xuất khẩu dịch vụ tại chỗ như chơi golf, ăn uống, tham quan cho khách du lịch golf quốc tế.

Chính sách khuyến khích phát triển hoạt động thể thao kết nối du lịch là điều cần nghĩ đến...

TẠ VỸ