Văn hóa

Gạch nối giữa trà Việt và văn hóa Việt

LƯU ĐÌNH LONG 19/05/2024 08:00

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn không còn xa lạ trong giới yêu trà Việt. Ông xây dựng thương hiệu Song Hỷ trà, các sản phẩm chất lượng của Nguyễn Ngọc Tuấn được Bộ Ngoại giao sử dụng làm quà tặng trong các sự kiện quan trọng.

z5436673277129_e2e162e3a332065f6f7b7b9a77033830.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: NVCC

Ngày Trà quốc tế (21/5) được Liên hiệp quốc thông qua là ngày đặc biệt cho những người trồng chè, sản xuất - kinh doanh trà và người uống trà trên toàn thế giới, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của trà đối với phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cũng như cải thiện chuỗi giá trị trà để đóng góp vào Chương trình phát triển bền vững 2030. Nhân dịp này, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn có cuộc trò chuyện với Báo Quảng Nam về những nhân duyên với trà Việt.

Trà Việt - một phần văn hóa Việt

* Theo ông, trà Việt và văn hóa Việt có gạch nối như thế nào? Vì sao có người nói, quảng bá văn hóa Việt không thể không nói đến trà?

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Hiện nay chúng ta có 34 vùng trồng chè và chế biến trà trên 63 tỉnh thành của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu nhiều năm đứng top 5 thế giới. Trà Việt Nam đã được thế giới biết đến ngày một nhiều hơn.

Trải dài theo lịch sử dân tộc, cây chè đã gắn liền với đời sống người Việt. Tục uống nước chè tươi của ta là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc. Nó tồn tại bao đời, đến nay vẫn là thứ nước uống hàng ngày dù bạn ở vùng thôn quê hay nơi thành thị nhộn nhịp.

Chúng ta còn nhiều tập tục như: xát những lá chè tươi vào bàn chân trẻ nhỏ khi mới sinh để mong sao chúng lớn khôn với đôi chân khỏe mạnh của người Mông.

Hay thờ cúng thần rừng, thần cây hàng năm để sao cây chè được phát triển cho những búp chè lớn và nhiều của đồng bào người Dao. Còn dân tộc Mông ở các vùng Tây Bắc và ở vùng trung du Thái Nguyên họ yêu quý cây chè như những người bạn tốt.

Trồng, chăm sóc cây chè và tập tục uống trà là một phần của cuộc sống người Việt, cách thức uống trà là một đặc trưng văn hóa của người Việt.

Cây chè sinh trưởng và phát triển ở các vùng khác nhau có điều kiện địa lý, thổ nhưỡng khí hậu khác nhau nuôi dưỡng những cây chè có hương và vị đặc trưng, đồng thời phong cách uống trà, thưởng trà của mỗi vùng cũng mang nét đẹp văn hóa riêng của từng vùng.

Cũng là pha chè tươi uống hàng ngày nhưng nếu đi từ đồng bằng sông Hồng vào miền Tây Nam Bộ ta cũng thấy sự biến đổi để phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Cách uống trà và thưởng trà của phương Nam và phương Bắc cũng mang nét đẹp riêng.

Trà Việt là một phần của văn hóa Việt. Nó hiện diện mọi ngóc ngách trong đời sống người Việt. Nó là món quà giản dị nhưng chứa đựng những giá trị vật chất và tinh thần cao quý.

bqn.1cdn.vn-2024-05-12-_anh-3.jpg
Tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn.

* Giá trị của trà mang lại cho sức khỏe và tinh thần là gì, thưa ông?

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Chè được coi là một loại dược phẩm, một thứ thuốc. Thiền sư Tuệ Tĩnh - ông thánh trà Việt Nam đã ghi trong bộ sách “Nam dược thần hiệu”: “Minh trà - trà ngon, vị ngọt, tính hơi hàn, nhuận tạng, trừu tiệt khu phong, sáng mắt, nhẹ đầu, hạ đờm, trị chướng lỵ, tiêu thức ăn”.

Ngày nay khoa học đã chứng minh và tìm ra rất nhiều lợi ích của việc uống trà đối với sức khỏe của con người. Trong trà có chứa gần 400 hoạt chất chia làm 13 nhóm có lợi cho việc phòng và chống một số bệnh.

Cần lưu ý thêm, trà cũng có tính hai mặt. Cần tránh uống trà trong một số trường hợp và cần biết dùng trà đúng cách, chọn trà phù hợp với cơ địa của riêng mình.

Quá trình uống trà, thưởng trà còn để tìm hiểu và khám phá bản thân. Hương vị có trong trà chỉ có thực sự hành mới cảm được và hiểu được. Hương thơm như thế nào, vị ra sao, có bao nhiêu tầng lớp hương vị?

Nếu không thực chứng thì không cảm nhận được giá trị. Uống trà, thưởng trà sẽ mở rộng cánh cửa tri thức, lôi cuốn chúng ta khám phá thêm vẻ đẹp của con người cả đời gắn bó với cây chè.

Đó chính là lý do tại sao trà là thức uống được ưa chuộng thứ hai chỉ sau nước mà cả thế giới đều dùng.

bqn.1cdn.vn-2024-05-12-_anh-1.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn (giữa) chia sẻ về trà

Trở về với chính mình

* Phải chăng, trà còn là phương tiện để tĩnh tâm, trở về với chính mình, nhâm nhi bên tách trà cũng chính là cách con người tìm thấy bản thân?

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Trà là thức uống mà ta không thể uống ở nơi ồn ào náo nhiệt. Để thưởng thức một chén trà ngon cần kết hợp sáu yếu tố cần và đủ: nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ nhạc, lục trạch.

Trà có thể uống một mình - độc ẩm hay hai người - song ẩm và nhiều hơn là 6 người chứ không nên uống quá nhiều người.
Khác với nhiều thức uống khác, muốn có chén trà hoàn hảo, đòi hỏi người uống trà phải thực hiện pha trà. Pha trà là một quá trình kết nối sáu yếu tố trên.

Pha trà là quá trình rèn luyện bản thân, mỗi động tác pha trà đều phải gọn gàng, đẹp và đặc biệt là gửi gắm được tình cảm và tâm hồn của mình vào chén trà.

Tôi gọi những người pha trà là Trà Tâm để ca ngợi những người đang dùng trà để tìm cách rèn luyện, tu sửa bản thân. Mỗi khi pha trà, hay nhâm nhi một chén trà đều trân trọng từng giây phút quý giá này, khám phá được hương vị mộc mạc của chén trà thêm hiểu và thêm yêu thương những cây chè, những người làm chè…

Mỗi ngày dành chút thời gian riêng cho việc uống trà hay thưởng trà bạn sẽ thấy mình thong thả hơn, bình yên hơn, nhận thêm được những năng lượng tích cực để rồi tiếp tục những công việc tốt đẹp của mình.

“Thiền trà nhất vị” chắc hẳn ai cũng một lần nghe đến. Nhưng cảm nhận như thế nào là của từng cá nhân. Tôi chứng kiến và tham dự nhiều buổi thiền trà khác nhau ở trong và ngoài nước. Hiện các hoạt động thiền trà ở Việt Nam đang được quan tâm nhiều. Những buổi thiền trà được tổ chức trong chùa hay ở bên ngoài hiện nay theo tôi đang làm tốt việc trà là cầu nối, để kết nối nhiều người với nhau, xây dựng sinh hoạt văn hóa lành mạnh, sân chơi bổ ích. Nó có tác dụng lôi cuốn giới trẻ về với các hoạt động nội tâm hơn. Đây là phần “hình” của hoạt động thiền trà. Còn phần ẩn kín bên trong cần thêm nhiều thời gian nữa.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn

* Được biết, ông còn là tác giả sách bên cạnh vai trò một doanh nhân, cũng như nghệ nhân trà Việt? Ông chuyên chở nội dung gì trong các cuốn sách của mình?

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Tôi có may mắn được đi nhiều, gặp được nhiều người mà cả cuộc đợi của họ gắn với cây chè. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ và muốn kể cho mọi người biết đến họ. Đó chính là lý do tôi chọn viết sách để kể lại những câu chuyện về con người về cây chè mà tôi có duyên lành được gặp.

Cuốn sách đầu tiên của tôi là “Phác thảo danh trà Việt Nam”, kể về những vùng trà đặc sắc ở Việt Nam mà tôi đã đến thực địa nhiều năm và những con người thực đang gìn giữ sản vật quý của nước Việt, là trà.

Cuốn sách tiếp theo là “Thưởng trà thật đẹp thật vui”. Cuốn này mang thông điệp: Bạn chưa uống trà, hãy đọc để thấy sự kỳ diệu của trà. Bạn thường uống trà, hãy đọc để xem mình thưởng trà như thế nào, và tìm cho mình một chén trà hoàn mỹ.

Và nay tôi đang hoàn thiện cuốn “Tìm trà” - để trả lời cho câu hỏi trà là gì mà ai cũng thích khoe khoang sự hiểu biết của mình đối với trà. Hy vọng sẽ được mọi người tìm đọc. Đặc biệt cuốn sách này được sự giúp đỡ và ủng hộ của những người bạn quý, sẽ là bản song ngữ Anh - Việt.

LƯU ĐÌNH LONG