Tập trung các quyết sách cho vùng "lõi nghèo" Tây Quảng Nam
(QNO) - Sáng nay 20/5, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam.
Phiên họp xoay quanh nội dung đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện thời gian đến.
Nỗ lực hiện thực hóa các chỉ tiêu
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở KH- ĐT cho hay, đến nay cơ bản các nhiệm vụ phân công để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai. Thành viên ban chỉ đạo tiếp tục bám sát nhiệm vụ, chương trình công tác đề ra với nhiều giải pháp đồng bộ. Vùng Tây đã và đang triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.
Những số liệu báo cáo kết quả đã ít nhiều nói lên nỗ lực hiện thực hóa các chỉ tiêu đề ra: Tổng thu ngân sách Nhà nước của 9 huyện miền núi đến cuối năm 2023 khoảng 1.802 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,13 triệu đồng/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2020. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,41%; có 34 xã (trong tổng số 93 xã miền núi) đạt chuẩn NTM (cả tỉnh 123/194 xã); có 98,81% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,91%,...
Vùng Tây đã cơ bản bảo vệ được rừng tự nhiên hiện có, đảm bảo môi trường sinh thái, văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển, củng cố và ổn định vững chắc an ninh chính trị trong vùng. Tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin, từ đầu năm 2023, tỉnh đã bố trí hơn 2.608 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư để tập trung đầu tư vào khu vực miền núi (34% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh). Trong đó, phân bổ hơn 328 tỷ đồng thực hiện chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh (chưa kể các chương trình mục tiêu quốc gia - MTQG); trong đó nhiều chính sách đầu tư đã phát huy hiệu quả. Nguồn vốn sự nghiệp bố trí cho các huyện miền núi thực hiện chương trình, chính sách, dự án của Trung ương và của tỉnh hơn 1.305 tỷ đồng (55% tổng vốn sự nghiệp toàn tỉnh).
"Ngoài tiếp tục triển khai 2 chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, khu vực miền núi, Trung ương đã bổ sung thêm chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là nguồn lực quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi" - ông Thử nói.
"Giải pháp phải cụ thể"
Các đại biểu dành phần lớn thời gian của Phiên họp thứ tư để đánh giá những hạn chế, vướng mắc và đề xuất các giải pháp.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói, với 15 chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết, ngoại trừ 7 chỉ tiêu đã có khả năng đạt, 8 chỉ tiêu còn lại gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có chỉ tiêu thực hiện đạt nếu quyết tâm triển khai, như tỷ lệ che phủ rừng, sắp xếp dân cư... Vì thực tế có những địa phương làm rất tốt, nhưng kết quả chung bị kéo xuống do một số địa phương chưa quan tâm.
"Cần so chiếu, tìm các điểm chung trong quy hoạch vùng với quy hoạch tỉnh, xem nếu tích hợp có gì mâu thuẫn, hay phù hợp quan điểm không? Phải xác định quan điểm để tính toán đầu tư trong điều kiện nguồn lực đang rất khó. Hiện nay mong muốn rất nhiều, cái gì cũng cần thiết, quan trọng nhưng phải cân nhắc, sắp xếp bố trí trong khả năng. Phải ưu tiên cái gì trước để tính toán trong thời gian tới, giải pháp phải cụ thể, không mang tính chung chung nữa!"- Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Một số khó khăn, hạn chế lớn được các thành viên Ban chỉ đạo chỉ ra. Kinh tế - xã hội miền núi phát triển vẫn còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực. Đời sống nhân dân vẫn còn khó, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai; kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.
Tư duy mở cho miền núi
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, giao thông vẫn là yếu tố huyết mạch, kích hoạt các động lực phát triển ở vùng Tây. Đặt vấn đề tỉnh cần "chấp nhận" tính toán ngân sách để giải phóng mặt bằng cho 3 tuyến đường huyết mạch gồm quốc lộ 14D, 14G và 40B, ông Hồ Quang Bửu cho rằng "chỉ có là 3 con đường này, 1 đồng đầu tư công sẽ kéo được 4-5 đồng đầu tư tư", phải tìm cơ chế để được ưu tiên đầu tư.
"Đối với trồng rừng gỗ lớn để tăng độ che phủ rừng, cũng phải chú trọng phát triển cây bản địa, tạo sinh kế cho người dân, làm sao cây trồng chống chịu được khí hậu và đem lại thu nhập ổn định hơn cây keo hiện nay. Phải có tư duy mở trong phát triển miền núi và cuối cùng là phải đầu tư cho con người. Nhân lực tốt, kích hoạt được nhiều yếu tố phía sau phát triển" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.
Đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết số 12 từ năm 2021 đến nay, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định nguồn lực, cơ chế chính sách và các chương trình MTQG đã tạo nhiều chuyển biến cho vùng Tây. Trong 15 chỉ tiêu đề ra, hiện tại đã đạt 7 chỉ tiêu, trong đó kéo giảm tốt tỷ lệ hộ nghèo, có sự vượt trội so với tiến độ và tốc độ theo yêu cầu. Một số chỉ tiêu khác cũng khá tốt.
Hiện nay đã có 201 dự án do doanh nghiệp đầu tư, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ để có điều kiện phát triển, giữ vững quốc phòng an ninh, quan tâm bảo tồn văn hóa, củng cố hệ thống chính trị.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu quyết liệt triển khai các nhóm nhiệm vụ của nghị quyết, trong đó tập trung vào 5 nhóm dự án quan trọng, rà soát 88 đầu việc chương trình công tác đề ra, tính toán chọn lọc các nội dung trùng lắp hoặc chưa có hướng dẫn về mặt quy định pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy giao Sở KH-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo những nội dung, nhiệm vụ cần thiết phải tạm dừng, tích hợp hoặc điều chỉnh bổ sung để rà soát, hoàn chỉnh, đối chiếu với quy hoạch địa phương với quy hoạch vùng, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phân khu trong bối cảnh tỉnh đang triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung.
"Các ban, ngành, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo từ trong nhân dân, chủ động, trách nhiệm trong giảm nghèo vì đây là vùng "lõi nghèo" của tỉnh. Bên cạnh đó, phải tiếp tục triển khai hiệu quả 3 chương trình MTQG, xem đây là động lực căn cơ, tăng tốc độ giải ngân, điều chuyển nơi làm chưa tốt sang nơi hiệu quả, gắn trách nhiệm người đứng đầu, giao ban kiểm đếm công việc, kiểm tra đánh giá việc thực hiện. Bên cạnh đó, tập trung giải pháp thực hiện các chỉ tiêu không đạt, đồng bộ giải pháp theo hướng sát thực tế, phù hợp với đặc thù của từng nơi" - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Báo cáo chủ trương sáp nhập Ban chỉ đạo về Xây dựng và phát triển vùng Tây:
Tại cuộc họp, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến về việc rà soát, sáp nhập các Ban chỉ đạo hiện nay, trong đó có Ban chỉ đạo về Xây dựng và phát triển vùng Tây. "Nếu sáp nhập Ban chỉ đạo phải tính đến yếu tố tương đồng. Ngoài ra, cần xem xét bổ sung lãnh đạo 9 huyện miền núi để có thể nắm được ý kiến từ các địa phương, rà soát, tham khảo ý kiến, tính toán nguồn lực để duy trì và triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 12.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương sáp nhập các Ban chỉ đạo. Tinh thần của thực hiện sáp nhập là nội dung công việc phải được chuyển tiếp, kế thừa, xem xét bổ sung thành phần đối tượng để đạt được hiệu quả cao nhất.