Sống dậy những kỷ vật lịch sử
Hơn 150 hiện vật, bao gồm hình ảnh tư liệu, bức ký họa, các dụng cụ sinh hoạt, đạn dược… phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, lần đầu tiên được trưng bày triển lãm, thu hút sự quan tâm của đồng bào miền núi huyện Nam Giang; nhắc nhớ thời hoa lửa hào hùng trong ký ức những chiến sĩ từng làm nhiệm vụ dọc cứ điểm Trường Sơn.
Trong ký ức cựu binh
Tần ngần thật lâu tại không gian trưng bày chuyên đề “Huyền thoại Trường Sơn” vừa được Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức, cựu binh Nguyễn Xuân Cấp (ở tổ dân phố Thạnh Mỹ 2, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) chừng như không muốn rời bước.
Hơn 50 năm định cư ở vùng đất Bến Giằng, ông Cấp nói, lần đầu tiên được chứng kiến những kỷ vật lịch sử từng gắn với cuộc đời mình trong suốt năm tháng đấu tranh giành độc lập.
Ông Cấp quê ở Thanh Hóa, trước đây là lính đặc công thuộc Tiểu đoàn 91 Lam Sơn, tham gia nhiều trận đánh dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, ông lập gia đình và chọn định cư ngay con đường huyền thoại từng gắn một phần máu thịt của ông và đồng đội năm xưa.
“Tôi xem rất nhiều kỷ vật, có những thứ đã từng gắn bó với tôi và đồng đội trong suốt cuộc kháng chiến nên rất xúc động. Chúng tôi thời đó, ai cũng hừng hực khí thế ra trận, cùng nhau lăn lộn vào sinh ra tử, chỉ mong đất nước sớm được thống nhất.
Nhiều kỷ vật là hình ảnh, tôi đã xem và khâm phục ý chí của các chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong ngày đêm mở đường tạo thuận lợi để toàn quân đánh giặc” - ông Cấp chia sẻ.
Ngay không gian trưng bày triển lãm, cựu binh Phan Ngọc Ước (ở thị trấn Thạnh Mỹ) chừng như không giấu nổi cảm xúc, nên cất vang bài ca một thời lính chiến.
Ông Ước quê Ninh Bình, tham gia mặt trận phía Nam những năm 1973 - 1974. Sau giải phóng, khi những người đồng đội trở về quê hương xứ sở, ông đã chọn ở lại Trường Sơn, để “được nhìn ngắm màu xanh núi rừng”.
Bằng tinh thần của người lính Trường Sơn, nhiều năm qua, ông Ước trở thành “cầu nối” giúp các đơn vị tìm hài cốt liệt sĩ, đồng đội của ông hy sinh tại chiến trường Quảng Nam.
“Tất cả những kỷ vật này, với tôi đều như thể vừa mới ngày hôm qua vậy. Thời điểm chiến tranh ác liệt, các đồ dùng đó được chúng tôi mang theo bên mình, nên hôm nay tận mắt nhìn lại, quả thật tôi rất xúc động xen lẫn niềm tự hào” - ông Ước nói.
Không chỉ các cựu binh, không gian trưng bày hiện vật, kỷ vật kháng chiến của Trường Sơn còn thu hút rất đông người dân Nam Giang đến tham quan. Ai cũng bày tỏ niềm xúc động về những chiến tích của ông cha ngày trước, đồng thời xem những “ký ức lịch sử” này là hành trang để giáo dục con cháu mai sau.
Kỷ vật của Trường Sơn
Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho biết, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Quảng Nam là một chiến trường lớn, vô cùng ác liệt. Với hơn 150km tuyến huyết mạch đường Trường Sơn đi qua, đã góp phần tạo nên sự liên kết chặt chẽ của các lực lượng. Chính sự liên kết đó đã làm nên một mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược của mặt trận đoàn kết, chiến đấu chống Mỹ cứu nước của ba nước Đông Dương.
16 năm ròng rã, lớp lớp người con của các dân tộc khắp mọi miền Tổ quốc, đặt biệt là hình ảnh đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, Cơ Tu… bình dị, gắn bó máu thịt với tuyến lửa đầy khốc liệt, họ đã sống và chiến đấu trên tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh những con người ấy đã hòa chung vào hàng triệu chiến sĩ làm nhiệm vu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Rất nhiều hình ảnh, kỷ vật lịch sử được sưu tầm, mỗi hiện vật đều mang một giá trị đặc biệt, làm sống dậy niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Đức, hơn 150 hiện vật được chọn trưng bày triển lãm lần này, chia thành 4 giai đoạn chính, gồm Trường Sơn thuở ban đầu (giai đoạn 1959 - 1963); đánh địch mà đi - mở đường mà tiến (giai đoạn 1964 - 1968); Trường Sơn (giai đoạn 1969 - 1972) và tất cả cho tổng tấn công (giai đoạn 1973 - 1975).
Đây là những hiện vật, hình ảnh điển hình trong hàng nghìn hiện vật liên quan đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại được Bảo tàng Quảng Nam sưu tầm từ nhiều nguồn trong nhân dân và nhân chứng lịch sử suốt nhiều năm qua.
Trong đó, có những hình ảnh là tranh ký họa được các họa sĩ trong đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 trực tiếp sáng tác về đất và người Nam Giang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đó là nguồn tư liệu quý giá góp phần khẳng định vai trò quan trọng của đồng bào thiểu số miền núi cả nước nói chung, Nam Giang nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại.
“Tuy số hình ảnh, hiện vật chưa nhiều, song đủ để gợi nhắc về một quá khứ hào hùng; về tuổi trẻ và lòng nhiệt huyết của mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, một phần đã nằm lại với suối ngàn để con đường Trường Sơn đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son chói lọi.
Sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông như một thiên anh hùng ca bất diệt, hóa thành tượng đài mang tên “Huyền Thoại Trường Sơn” ngay trên mảnh đất Nam Giang” - ông Đức nói.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói, hoạt động trưng bày triển lãm những kỷ vật Trường Sơn là một phần trong chuỗi sự kiện chào mừng 75 năm thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm ngày mở đường Trường Sơn và ngày truyền thống Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
Thông qua hoạt động trải nghiệm này, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao đạo đức cách mạng, sẵn sàng chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tại Nam Giang.