Lao động - Việc làm

Cẩn trọng với bệnh nghề nghiệp

DIỄM LỆ 23/05/2024 08:30

Nguy cơ bệnh nghề nghiệp khi làm việc ở các công trường, nhà xưởng luôn rình rập, vì vậy người lao động cần cẩn trọng giữ an toàn trong suốt quá trình làm việc.

ht.jpg
Môi trường lao động trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp. Ảnh: D.L

Làm việc từ năm 2017 đến nay tại Công ty TNHH Hoằng Tiệp Việt Nam (Thăng Bình), ông Võ Văn Bé (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) qua một lần khám sức khỏe định kỳ đã được chỉ định khám bệnh nghề nghiệp. Không may, ông Bé cùng một số đồng nghiệp cùng công ty đã mắc bệnh nghề nghiệp do bụi phổi.

Ông Bé cho biết, dù quá trình lao động (LĐ) luôn được công ty trang bị bảo hộ lao động như khẩu trang, mũ bảo hộ... nhưng vì ngành nghề đặc thù là khai thác và chế biến các sản phẩm từ cát, chế biến bột đá nên việc mắc bệnh nghề nghiệp khó tránh khỏi.

Ông Bé chia sẻ: “Kể từ khi khám phát hiện bị bệnh bụi phổi, công ty đã hỗ trợ để chúng tôi được làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bệnh nghề nghiệp hàng tháng, với số tiền trợ cấp là 1,1 triệu đồng/tháng. Công việc ở công ty chúng tôi vẫn làm bình thường nhưng chú trọng hơn trong khâu bảo hộ, định kỳ chủ động khám sức khỏe tổng quát để theo dõi”.

Ông Lê Văn Hà - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hoằng Tiệp Việt Nam, cho biết: “LĐ làm việc ở công ty do đặc thù ngành nghề nên khó tránh khỏi bị bệnh nghề nghiệp. Công đoàn cơ sở luôn đề xuất, phối hợp với Ban giám đốc khám sức khỏe định kỳ cho người LĐ, ai có nguy cơ cao thì khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Trong quá trình làm việc, người LĐ được khuyến cáo sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động mà công ty đã trang bị để hạn chế nguy cơ bị bệnh bụi phổi. Đồng thời việc bồi dưỡng bằng hiện vật như cung cấp sữa, nước chanh cho lao động để tăng cường sức khỏe trong giờ nghỉ được thực hiện đầy đủ”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện LĐ có hại của nghề nghiệp tác động đối với người LĐ.

Trong năm 2023, CDC Quảng Nam đã tiến hành quan trắc môi trường LĐ cho 163 doanh nghiệp, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người LĐ tại 80 doanh nghiệp, khám bệnh nghề nghiệp cho 4.599 người.

Qua đó phát hiện 11 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó có 10 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên. Phần lớn số người mắc bệnh nghề nghiệp làm trong các ngành nghề như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng…

CDC Quảng Nam khuyến cáo để giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, LĐ cần tuân thủ các quy định về an toàn và vệ sinh LĐ của công ty, xí nghiệp.

Trong quá trình làm việc bắt buộc phải sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay, giày bảo hộ, vệ sinh sạch sẽ sau khi làm việc. Chủ sử dụng LĐ cũng cần phải bồi dưỡng bằng hiện vật cho người LĐ để họ tăng cường sức khỏe trong quá trình làm việc.

Đồng thời, định kỳ 6 tháng, 1 năm cần khám sức khỏe cho toàn bộ người LĐ. Những người trực tiếp sản xuất, có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp thì cần được thăm khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp và điều trị đúng cách.

DIỄM LỆ