Giao thông - Xây dựng

Không chủ quan với giao thông đường thủy

SÁU CÒI 23/05/2024 09:41

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa cần được tiếp tục quan tâm, nhất là trên những chuyến đò ngang, tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, ghe hoạt động tự phát trong lòng hồ.

z5395781830244_4dc2c124df81d2279fb377b37c3ac962.jpg
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra điều kiện an toàn của bến đò Đại Bình - Trung Phước (Nông Sơn). Ảnh: SC

Hệ thống sông chảy qua địa bàn Quảng Nam phần nhiều đều có độ dốc lớn. Mùa mưa nhiều đoạn sông nước chảy xiết, còn mùa khô thì cạn, tàu thuyền đi lại khó khăn.

Tại Cửa Đại (Hội An), luồng ra - vào tuyến sông ở cửa biển thường bồi lấp, dịch chuyển thay đổi trong năm. Do có độ dốc, sông xuất hiện tình trạng bên lở bên bồi, vì vậy dòng chảy xiết và không ổn định.

Cộng thêm đó, vào mùa hè thường xuyên xảy ra dông lốc xoáy rất nguy hiểm cho người ngồi trên phương tiện lưu thông trên sông, lòng hồ thủy lợi và thủy điện.

Và thực tế trong năm 2021, 2 vụ tai nạn lật ghe xảy ra vào 2 buổi chiều ngày 25/2 và ngày 8/5 khiến cho 11 người chết rất thương tâm.

Năm 2022, ca nô cao tốc QNa-1152 trên hành trình từ bến Cù Lao Chàm về bến Cửa Đại thuộc tuyến vận tải đường thủy nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm đã bị sóng đánh chìm khi cách bến Cửa Đại khoảng 4km. Vụ tai nạn thảm khốc đó xảy ra vào lúc 14 giờ 5 phút ngày 26/2 khiến 17 người bị tử nạn.

1.jpg
Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát các bến khách tại TP.Hội An. Ảnh: S.C

Đáng buồn thay, những bài học đau lòng kia vẫn chưa đủ thức tỉnh người tham gia giao thông đường thủy nội địa, nhất là chủ bến, lái thuyền và hành khách qua lại bằng đò ngang.

Thế mới có chuyện người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao theo kiểu đối phó khi có lực lượng chức năng đến kiểm tra. Khu vực các lòng hồ thủy lợi, thủy điện, người dân sử dụng ghe đi lại đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp cũng rất chủ quan không sử dụng áo phao.

Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không trang bị, hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tiền tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Hành khách nào không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Nghị định đã có hiệu lực thi hành, điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm để khắc phục bất cập và phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, việc kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên thực tế lại chưa quyết liệt và thường xuyên như trên đường bộ, nhất là về phía cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát, việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn từ chính người tham gia giao thông đường thủy cũng là điều rất quan trọng.

SÁU CÒI