Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn đầu tư
(QNO) - Đồng vốn mồi của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam tạo cú hích của một công cụ tài chính nhà nước làm động lực góp phần phát triển hạ tầng địa phương. Nhưng, Quỹ này đang đối mặt với nguy cơ hụt vốn.
"Trụ đỡ" của các dự án đầu tư tư nhân
KCN hậu cần cảng Tam Hiệp, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Khu phố chợ Nam Phước, Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa, Khu phố chợ Điện Nam Trung (Điện Bàn), nhà ở Khu phố chợ Khâm Đức (Phước Sơn), Trường Đồng, Sky -line (Điện Dương), Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe (Phú Ninh), Dự án nhà máy nước Hội An mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện…, được đánh giá là những điển hình hiệu quả của đồng vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam từ 15 năm qua.
Ông Nguyễn Viết Thành - Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An cho hay, sự hỗ trợ của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã góp phần tạo ra một dự án nhà máy nước Hội An hiệu quả. Công suất của nhà máy từ 6000m3/ngày đêm đã nâng lên 15.000m3/ngày đêm, cấp đủ nước cho cư dân, doanh nghiệp tại địa phương.
Khởi sự khi ra đời chỉ cấp vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã mở rộng biên độ đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Thống kê từ nguồn vốn nhà nước cấp ban đầu cho đơn vị 54 tỷ đồng (năm 2009), đến nay tổng nguồn vốn Quỹ đã đạt 1.500 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ ngân sách cấp 25%, chênh lệch thu - chi bổ sung vốn hoạt động 16,4%, vốn huy động 14% và vốn nhận ủy thác các quỹ tài chính khác 44,6%. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã đầu tư, cho vay hơn 76 dự án với tổng nguồn vốn hơn 1.700 tỷ đồng. Thu hồi vốn hơn 1.000 tỷ đồng để tái đầu tư, cho vay.
Không chỉ đầu tư, cho vay, Quỹ đã ứng vốn cho các huyện, thị xã, thành phố và các trung tâm phát triển quỹ đất 72 dự án (bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư hạ tầng các khu dân cư, tái định cư và các dự án hạ tầng quan trọng khác ở các địa phương). Tổng mức vốn ứng hơn 900 tỷ đồng (đã thu hồi hơn 700 tỷ đồng). Nguồn vốn ứng này đã góp phần cùng các địa phương tạo ra hàng nghìn lô đất bố trí tái định cư, đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Nguồn vốn cho vay, hỗ trợ tài chính (lãi suất 0%) của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam đã góp phần tăng số lượng, chất lượng tàu đánh bắt xa bờ, cải thiện năng lực đánh bắt và thu nhập cho ngư dân. Tổng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này gần 195 tỷ đồng để đóng mới 125 chiếc tàu công suất lớn. Hiện nay đã có 123 tàu hoàn thành, hoạt động và đã thu hồi nợ vay hơn 120 tỷ đồng.
Theo phân tích, một đồng vốn hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã huy động được 10 đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Một đồng vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ thu hút được 26 đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng. Quan trọng hơn, nợ xấu chưa xuất hiện.
Ông Nguyễn Tiên Thạch – Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam khẳng định nếu không có Quỹ Đầu tư phát triển thì nhiều dự án đầu tư của tư nhân sẽ không thể hoàn thiện được, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ngân hàng thắt chặt vốn vay hay lãi suất cho vay cao. Nếu không có vốn đầu tư của Quỹ thì Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn), Khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên), Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa (Thăng Bình)… không thể đáp ứng được kế hoạch, khó hoàn thiện dự án được khi lãi suất ngân hàng lúc đó rất cao và chỉ cho vay ngắn hạn, từ 1 đến 2 năm. Còn Quỹ cho vay lãi suất 9,6%/năm, nên đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp...
Nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn
Đã từng không ít "lời ra tiếng vào" với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh trong 15 năm tồn tại. Chuyện tồn tại hay giải thể Quỹ này đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự. Tuy nhiên, quyết định tăng vốn (300 tỷ đồng vốn điều lệ), mở rộng danh mục cho vay đầu tư của Quỹ (7 lĩnh vực) giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết 14 ngày 16/3/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Nghị quyết này đã tạo động lực thay đổi cơ chế vận hành của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói thiếu địa vị pháp lý, không văn bản cụ thể về cơ chế hoạt động, thiếu sự thống nhất mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy hay sự phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể từ trung ương đến từng địa phương không rạch ròi, quy định các lĩnh vực đầu tư, danh mục cho vay cứng nhắc, không tương thích với điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương… Vốn điều lệ, chủ sở hữu thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn hay đầu tư trực tiếp của các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Song, dù đầu tư trực tiếp, cho vay đều bị khó khăn, nhưng Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh vẫn đạt mục tiêu, hiệu quả. Mỗi đồng vốn hoạt động của Quỹ cho vay, góp vốn đã thu hút thêm nhiều đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng… hay chưa xuất hiện tình trạng nợ xấu đã là thành công.
Có thể nói, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh trở thành một kênh huy động tài chính, vốn mồi quan trọng để thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng, đúng mục tiêu ban đầu khi thành lập Quỹ.
Tuy nhiên, Quỹ này lại đứng trước hàng loạt khó khăn mới, thiếu nguồn tiền để cho vay. Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam công bố sắp thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn, không huy động được nguồn vốn mới. Việc nghiên cứu đề xuất phát hành trái phiếu Quỹ gặp khó do trung ương siết chặt các hoạt động phát hành trái phiếu. Thêm vào đó là bị động trong điều hành thực hiện kế hoạch. Không còn cách nào khác, Quỹ phải dàn xếp giảm hạn mức cho vay, từ chối cho vay một số dự án đã xúc tiến đầu tư.
"Nguy cơ vốn ngày càng sụt giảm, không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong giai đoạn đến"
Ông Nguyễn Tiên Thạch – Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam
Ông Nguyễn Tiên Thạch – Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam cho hay, Quỹ đã cải thiện thanh khoản, cơ cấu tài chính đạt mức an toàn, giảm bớt rủi ro về tài chính do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn huy động và tăng cường khả năng tự chủ về tài chính. Quỹ chọn danh mục, dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm; hạn chế dàn trải, không phân tán nguồn lực, giảm thiểu đến mức thấp nhất vốn nhàn rỗi tạm gửi tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại của Quỹ là sắp thiếu hụt nguồn vốn. Các nguồn huy động đã đến hạn trả nợ vay (vay WB và nguồn ký quỹ...).