Xã hội

Kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

VĨNH LỘC 24/05/2024 03:22

(QNO) – Tối 23/5, tại xã đảo Tân Hiệp, UBND TP.Hội An long trọng kỷ niệm 15 năm ngày UNESCO công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009 - 26/5/2024).


64c3202730569008c947.jpg
Đại diện Bộ TN-MT tặng hoa chúc mừng TP.Hội An. Ảnh: V.L

Ngày 26/5/2009, tại Đảo Jeju Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình Con người và sinh quyển của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, riêng có trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

Từ một xã đảo nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp nơi, mỗi năm Tân Hiệp phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào cuối năm… Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ khi trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, xã đảo đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo thành công mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập; công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu, trở thành "viên ngọc quý" tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.

3d04a62da65c06025f4d.jpg
Những kết quả mang lại từ danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội địa phương. Ảnh: V.L

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, sự thay đổi này bắt đầu khi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời vào năm 2005 và đặc biệt Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An ra đời năm 2009 đã đóng vai trò sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương, đặc biệt giữa con người với thiên nhiên.

“Danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững”, ông Hùng nhìn nhận.

55d97a335342f31caa53.jpg
Trao tặng giấy khen cho những cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: V.L

Đồng thời dẫn chứng, người dân từ chỗ bắt rùa, thu trứng rùa để ăn thì đến nay tất cả đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài bò sát cổ cực kỳ quý hiếm này. Tương tự, san hô từ chỗ bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay được nâng niu, bảo vệ bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền thành phố Hội An. Từ chỗ cua đá bị khai thác không kiểm soát thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương.

Cùng với đó, các sản phẩm khác trong khu sinh quyển cũng được định hướng ổn định về chất lượng, thân thiện môi trường và được gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển. Các mô hình này đã tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý trong việc sử dụng tài nguyên, tạo được niềm tin với UNESCO và cộng đồng quốc tế.

Nhiều giá trị văn hóa, làng nghề trên đảo Cù Lao Chàm được bảo tồn hiệu quả. Ảnh: V.L
Nhiều giá trị văn hóa, làng nghề trên đảo Cù Lao Chàm được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Ảnh: V.L

Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp khẳng định, một thành công rất lớn của danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới chính là bảo vệ môi trường. Trước những năm 2000, tại xã đảo Tân Hiệp, rác thải khắp nơi, tuy nhiên đến nay, Cù Lao Chàm đang rất nổi tiếng là một quần đảo xinh đẹp, trong sạch, gắn liền với chương trình nói không với túi nilon, ống hút nhựa, chai nước nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Không những thế, Cù Lao Chàm còn là một trong những khu vực đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kiểm toán rác thải trong khu dân cư, chợ, các nơi công cộng và cả trên các tàu thuyền khai thác thủy sản…

Cạnh đó, nhiều việc làm ý nghĩa khác cũng ngày càng lan tỏa như “xách giỏ đi chợ”; tận dụng giấy, báo, lá cây để làm bao bì thay thế cho túi nilon. Việc khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác cũng được thực hiện một cách văn minh, có kiểm soát; người dân luôn yêu quí và nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật quí hiếm. Ngay cả việc khỉ ở Cù Lao Chàm đang tràn xuống khu dân cư, gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt, thiệt hại mùa màng và nguy hiểm đến con người thì cộng đồng nơi đây cũng vẫn một mực luôn tìm cách để bảo tồn quần thể linh trưởng quý này, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và du khách đến đảo.

6743de69c91869463009.jpg
Nhiều tập thể, cá nhân đã được khen tặng. Ảnh: V.L

Tất cả việc làm trên cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân miền biển đã tạo nên một Cù Lao Chàm rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng thực hiện được.

VĨNH LỘC