Xã hội

Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương

PHAN VINH 24/05/2024 09:44

(QNO) - Ngày 24/5, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức khoá bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có hơn 40 nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước.

tap-huan-1.jpg
Đây là chương trình thứ 2 được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cho đội ngũ nhà báo, phóng viên. Ảnh: PHAN VINH

Theo đó, nhóm dễ bị tổn thương mà chương trình bồi dưỡng hướng đến bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và nhóm LGBTI (người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên tính).

tap-huan-2.jpg
PGS-TS. Đinh Thị Thúy Hằng - nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ tại khóa bồi dưỡng. Ảnh: PHAN VINH

Các chuyên gia tập trung làm rõ các định nghĩa, thuật ngữ về nhóm dễ bị tổn thương, nhận diện những điểm khác biệt so với các nhóm người còn lại. Đồng thời, phân tích cho các nhà báo nắm được hình ảnh/chân dung nhóm người dễ bị tổn thương này đang ở đâu trên các phương tiện truyền thông và chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của họ khi được truyền thông như hiện nay. Trong đó, có nhiều cách truyền thông hiện nay đang vô tình làm khắc sâu thêm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với họ.

tap-huan-3.jpg
Các nhà báo, phóng viên tương tác sôi nổi đối với vấn đề đưa tin về nhóm người dễ bị tổn thương. Ảnh: PHAN VINH

Từ đó, các chuyên gia đã làm rõ vai trò của báo chí hiện nay trong việc cải thiện yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhóm dễ bị tổn thương này. Cụ thể, khi báo chí bắt đầu quan tâm đến một vấn đề, vấn đề đó được nằm trong kế hoạch thông tin của báo giới, báo giới quyết định sẽ đưa vấn đề đó bằng cách nào, sức ảnh hưởng đến hành vi, chính sách, quyết định của các cơ quan có chức năng. Từ đó, báo chí trở thành tác nhân của sự thay đổi, mang lại hỗ trợ tích cực cho nhóm dễ bị tổn thương.

PHAN VINH