Nông nghiệp

Ngành nông nghiệp Núi Thành chú trọng biện pháp kỹ thuật ngay đầu vụ hè thu

TRÚC VĂN 24/05/2024 13:41

Những ngày qua, nông dân huyện Núi Thành tiếp tục gieo sạ, cấy lúa vụ hè thu năm 2024, Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo cần chú trọng các biện pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ để sản xuất hiệu quả…

bat-dau-sa-lua-he-thu-anh-van-phin.jpg
Nông dân xuống giống lúa hè thu. Ảnh: TV

Tại cánh đồng thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, nông dân khẩn trương làm đất xuống giống sạ lúa hè thu. Ông Bùi Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông chia sẻ, vụ này toàn xã sạ 300ha lúa với các loại giống ngắn ngày.

Trước nguy cơ có khả năng thiếu nước, nhưng trong ngày 20&21/5, trời có mưa tạo thuận lợi cho nông dân làm đất sạ, cấy lúa. Qua hai ngày đầu, nông dân đã sạ, cấy khoảng 3ha lúa. Vụ hè thu năm nay, nông dân sử dụng máy cấy tại thôn Trà Tây để sản xuất lúa nên tiến độ nhanh hơn.

Bắt đầu ngày 20/5 đến nay, nông dân huyện Núi Thành khẩn trương xuống giống lúa trà đầu vụ hè thu năm 2024 theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT. Theo kế hoạch, vụ này, toàn huyện sạ 3.400ha lúa với các loại giống chủ lực TBR225, ĐT100, Bắc Thịnh, HT1, PC6.

ThS.Dương Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, ngay từ đầu vụ, nông dân cần diệt chuột (vùng gò đồi, bờ tre, bờ ruộng...), ốc bươu vàng. Hiện tại cần đưa nước vào mặt ruộng phù hợp để gieo sạ.

lay-nuoc-vao-ruong-sa-lua-he-thu.jpg
Lấy nước vào ruộng sản xuất lúa. Ảnh: TV

Cũng theo bà Anh, để sản xuất lúa vụ hè thu đạt hiệu quả, nông dân cần thực hiện một số giải pháp kỹ thuật phù hợp. Trước hết cần bón đủ lượng vôi nhằm giúp phân giải nhanh chất hữu cơ (gốc rạ, lúa chét…), kích thích vi sinh vật có ích trong đất hoạt động, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Làm đất sớm còn có tác dụng phòng ngừa ngộ độc hữu cơ, bệnh đốm nâu-nghẹt rễ.

Vụ lúa hè thu, nông dân cần sạ đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống của tỉnh ban hành. Chú ý thời gian sinh trưởng của từng loại giống mà bố trí xuống giống phù hợp, nên sạ cùng trà, cùng loại giống, trên từng cánh đồng để dễ áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc, thu hoạch và hạn chế sâu bệnh gây hại.

Dùng giống kỹ thuật để sản xuất, gieo sạ thưa hợp lý cho từng nhóm giống. Về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ, tuyệt đối không được phối trộn thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm với hậu nảy mầm để phun.

Đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: phun sau khi gieo sạ từ 0 đến 3 ngày (tốt nhất nên phun ngay sau khi sạ xong hoặc sáng sạ chiều phun thuốc, phun càng sớm hiệu quả càng cao). Khi phun thuốc ruộng lúa phải đủ ẩm, không để nước đọng cục bộ trên ruộng.

Sau khi phun thuốc 1 - 2 ngày phải cho nước vào ruộng kịp thời, không để ruộng bị khô, nứt nẻ. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm phun khi cỏ đã mọc từ 1 - 2 lá (tương đương sau khi gieo sạ 4 - 7 ngày).

Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn thì phun khi cỏ mọc từ 2,5 - 3 lá (tương đương sau khi gieo sạ 8 - 12 ngày). Khi phun thuốc phải có một lớp nước mỏng khoảng 1cm, không để nước ngập ngọn cỏ. Sau phun thuốc khoảng 1 - 3 ngày đưa nước vào ruộng, giữ mức nước từ 2 - 4cm trong thời gian 5 - 7 ngày.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, đơn vị khuyến cáo nông dân không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ khai hoang để phun trừ cỏ trên ruộng lúa. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ để bón cho cây lúa.

Các địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng, sắn, dưa...

Ngay từ đầu vụ hè thu, nông dân cần tiến hành diệt chuột, ốc bươu vàng. Hiện tại, nông dân huyện Núi Thành đang tiếp tục sạ, cấy lúa hè thu, phấn đấu đến ngày 5/6/2024 sản xuất hết diện tích theo đúng lịch thời vụ.

TRÚC VĂN