Nông dân Thăng Bình nâng cao thu nhập nhờ một nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp
(QNO) - Thăng Bình đang khuyến khích người nông dân tạo nên các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững nhằm thay đổi vùng nông thôn.
Tạo mô hình nông nghiệp bền vững
Sau nhiều năm bươn chải, anh Nguyễn Phước Pháp (thôn An Lộc, Bình Định Nam, Thăng Bình) quyết định chọn lập nghiệp từ mảnh đất mà cha mẹ cho. Pháp tận dụng ngọn đồi để trồng keo nguyên liệu và kết hợp trang trại nuôi dê.
“Năm 2018 thì tôi thử nghiệm nuôi 5 con dê sinh sản, tìm kiếm thị trường bán dê giống. Tôi chọn hướng bán con giống vì dê thịt thì nguồn cung nhiều còn bán con giống thì thị trường tiềm năng hơn. May mắn là chọn hướng đi đúng nên sau 2 năm tôi đã phát triển đàn dê bố mẹ lên hơn 30 con” - Pháp cho biết.
[VIDEO] - Anh Nguyễn Phước Pháp nói về quá trình phát triển đàn dê của mình:
Thấy quyết tâm làm giàu của chàng thanh niên trẻ, UBND xã Bình Định Nam đã hỗ trợ Nguyễn Phước Pháp làm hồ sơ để hưởng cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 53/NQ-HĐND của HĐND huyện Thăng Bình. Và đến năm 2023, sau khi nghiệm thu đủ điều kiện, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng để phát triển đàn dê.
“Số tiền được huyện hỗ trợ tôi mua thêm con giống, nâng tổng đàn lên 40 con. Nhờ đó mà mỗi năm tôi bán được 30 con dê con giống với giá từ 120 - 130 ngàn đồng/kg. Cộng với thu nhập từ vườn keo thì cuộc sống khá hơn” - Pháp nói.
Tương tự, năm 2018, ông Phan Đức Sỹ (thôn Đồng Thanh Sơn) đã cải tạo hơn 8 sào đất vườn, trồng 250 cây ăn quả các loại như bưởi, chanh, mít thái… Nhận thấy mô hình phù hợp với điều kiện được hỗ trợ từ Nghị quyết 53, chính quyền đã hỗ trợ 29 triệu đồng để ông Sỹ làm hệ thống tưới tiết kiệm.
“Ở vùng bán sơn địa thì nước tưới cho cây ăn quả lâu năm luôn là chuyện nan giải, vì vậy, sự hỗ trợ của Nghị quyết 53 đã giúp gia đình chúng tôi có được mô hình hoàn hảo. Bước đầu loại cây ăn quả như mít, bưởi đã cho trái bói nên tôi rất vui. Tôi tin là vài năm nữa, các giống cây ăn quả sẽ là nguồn thu nhập chính cho gia đình mình” - ông Sỹ nói.
Trên địa bàn xã Bình Định Nam hiện có 120 hộ tham gia Nghị quyết 53 và hiện có 112 hộ đã thực hiện với 116 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Sau 2 năm triển khai đã có 83 mô hình được giải ngân hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
[VIDEO] - Ông Trần Quốc Bảo- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam:
Tiếp tục phát huy cơ chế khuyến khích
Theo UBND huyện Thăng Bình, hơn 2 năm triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 53, nhân dân đã tiếp cận và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Nhiều mô hình đã được hộ dân đầu tư lớn về kinh phí, nhân công và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất… Một số mô hình đã cho sản phẩm thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các hộ dân, một số mô hình đang giai đoạn hình thành và phát triển.
Hằng năm, UBND huyện Thăng Bình đã tổ chức kiểm tra, phúc tra thực tế các mô hình này. Năm 2022 có 106 mô hình đủ điều kiện hỗ trợ gồm 79 mô hình trồng trọt, 27 mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,9 tỷ đồng. Đến năm 2023 có 119 mô hình đủ điều kiện hỗ trợ với tổng kinh phí gần 3,1 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2024 đã có 47 mô hình được hỗ trợ với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ông Võ Văn Hùng nhìn nhận vẫn còn một số khó khăn nhất định. Để được hỗ trợ từ nghị quyết, người dân cần thực hiện rất nhiều khâu theo đúng quy trình trong khi nông dân dân chỉ quen việc đồng ruộng nên khâu làm thủ tục pháp lý, hồ sơ chứng từ còn rất hạn chế.
“Việc xây dựng, thẩm định bản vẽ, hồ sơ thiết kế cải tạo mặt bằng và các công trình hạ tầng liên quan phục vụ sản xuất của vườn, trang trại rất khó khăn nên UBND các xã cần hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận cơ chế. Với sự thành công cũng như hiệu quả của cơ chế khuyến khích này mà UBND huyện đã trình HĐND huyện tiếp tục và đã được HĐND huyện ban Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 15/12/2023 để áp dụng đồng bộ cho những năm kế tiếp” - ông Hùng cho biết.