Xã hội

Khỉ “chiếm dụng”, phá phách Trường Mẫu giáo Tân Hiệp

VĨNH LỘC 25/05/2024 15:59

(QNO) - Cùng với việc số lượng học sinh sụt giảm, vắng người, bầy khỉ trên đảo Cù Lao Chàm đã tràn xuống “chiếm dụng”, phá phách khu vui chơi trong khuôn viên Trường Mẫu giáo Tân Hiệp (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An) gây bất an cho cô trò nhà trường.

k1.jpg
Học sinh Trường Mẫu giáo Tân Hiệp liên tục sụt giảm. Ảnh: V.L

Trường Mẫu giáo Tân Hiệp được xây dựng năm 2018 trên diện tích gần 1.000m², kiến trúc 2 tầng, 12 phòng học (3 phòng học và 9 phòng chức năng). Đây là ngôi trường mẫu giáo duy nhất dành cho trẻ em trên đảo.

Ngôi trường khá đẹp và khang trang, mát mẻ. Khuôn viên trường được trang bị nhiều dụng cụ vui chơi cho trẻ như nhà banh, tàu kéo, cầu trượt, lót cỏ nhân tạo…

[VIDEO] - Khỉ phá phách tại Trường Mẫu giáo Tân Hiệp

Trường hiện có 3 khối lớp gồm bé, nhỡ và lớp lớn với 12 cán bộ, giáo viên (4 hợp đồng và 8 biên chế). Thời điểm đông học sinh nhất, trường đón khoảng 120 bé, tuy nhiên vài năm gần đây số trẻ liên tục sụt giảm. Năm học 2021- 2022 chỉ còn 61 học sinh, con số này tiếp tục giảm xuống 57 trẻ trong năm học 2023 -2024 (lớp bé 15 trẻ, lớp nhỡ 21 trẻ và lớp lớn 21 trẻ). Dự kiến, năm học 2024 - 2025 tổng số trẻ ra lớp khoảng 54 bé.

Theo cô Lê Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Hiệp, nguyên nhân chủ yếu do nhiều thanh niên, người trẻ tuổi rời đảo đi học tập, làm việc, lập gia đình rồi ở lại đất liền khiến số lượng học sinh ngày càng sụt giảm.

k.jpg
Khỉ "chơi" máng trượt trong trường. Ảnh: V.L

Trường ít học sinh, khuôn viên mát mẻ, khu vui chơi nhiều màu sắc nên nơi đây trở thành không gian lý tưởng để các bầy khỉ trên rừng Cù Lao Chàm kéo đến quậy phá. Mỗi ngày có hàng chục cá thể khỉ lớn nhỏ vào “chiếm dụng” sân trường, chúng tranh giành, cào cấu, cắn xé các vật dụng, tranh ảnh trang trí, kể cả phóng uế rất mất vệ sinh.

“Ban đầu chỉ vài con vào trường, nhưng từ năm 2020 đến nay số lượng khỉ không ngừng gia tăng. Thậm chí, có thời điểm bầy khỉ cùng kéo xuống khu vui chơi đông hơn học sinh. Không chỉ đuổi chạy, phá phách chúng còn ngồi trên cây chờ lo xuống giật bánh trái, sữa uống của trẻ. Mặc dù chưa gây ra sự việc nào đáng tiếc nhưng tình trạng khỉ vào trường với số lượng lớn, quậy phá khiến việc dạy và học của cô trò nhà trường vô cùng khó khăn” - cô Liên kể.

[VIDEO] - Cô Lê Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Hiệp:

Theo cô Liên, do đây là động vật hoang dã và được bảo vệ nên mọi người cũng chỉ hù dọa xua đuổi nhưng đâu lại vào đấy nên đành chấp nhận sống chung với khỉ.

Để ứng phó, ngoài khuyến cáo phụ huynh không cầm bánh sữa trên tay khi mang vào trường cho con hay đóng cửa phòng khi cho trẻ ăn, uống… nhà trường cũng thay các hình ảnh trang trí, dụng cụ vui chơi bằng vật liệu cứng nhằm hạn chế khỉ phá phách hư hỏng.

Tình trạng khỉ “phá làng, phá xóm” đã trở thành vấn đề đau đầu của chính quyền và người dân trên đảo nhiều năm nay. Không hiếm trường hợp khỉ leo vào nhà trộm thức ăn hoặc bánh trái thờ cúng trước sự bất lực của gia chủ. Tuy nhiên, việc khỉ vào trường tranh giành đồ chơi, bánh sữa với trẻ em mẫu giáo thì thật sự đáng lo ngại vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

k2.jpg
Cần có giải pháp tổng thể để việc dạy và học diễn ra an toàn. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thừa nhận, việc khỉ xuống nhà dân phá phách, gây phiền phức, xáo trộn cuộc sống hàng ngày rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, để tìm hiểu nguyên nhân cần phải có những nghiên cứu đánh giá tổng thể như khỉ có thay đổi thói quen hoang dã? Chuỗi thức ăn trên núi có bị tác động? Vùng sinh cảnh có bị ảnh hưởng bởi điều gì không... lúc đó mới có thể đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng khỉ tấn công vào cộng đồng.

Trong khi chờ giải pháp tổng thể hgạn chế sự phá phách của bầy khỉ thì hằng ngày cô trò Trường Mẫu giáo Tân Hiệp không còn cách nào khác phải liên tục cảnh giác, suy tính tìm phương cách đối phó để đảm bảo vừa dạy tốt vừa giữ an toàn cho trẻ.

VĨNH LỘC