Văn học - Nghệ thuật

Cẩn trọng khi đưa tác phẩm hội họa đến công chúng

TÂY BÌNH 26/05/2024 08:38

Có nhiều ý kiến trái chiều về triển lãm tranh “Góc nhìn trẻ” diễn ra từ ngày 17 - 27/5 tại Công viên đất nung Thanh Hà (TP.Hội An). Tựu trung cho thấy cần có sự cẩn trọng hơn trong việc tuyển chọn tác phẩm trước khi đưa ra công chúng.

trien-lam-o-thanh-ha.jpg
Quang cảnh khai mạc triển lãm tranh “Góc nhìn trẻ” tại Công viên đất nung Thanh Hà. Ảnh: MINH HẢI

Cần xác định tính chất của triển lãm

Ngày 17/5, tại Công viên đất nung Thanh Hà diễn ra triển lãm “Góc nhìn trẻ”, với 35 tác phẩm của 18 tác giả thuộc Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ TP.Hồ Chí Minh.

Trong một tuần thực tế, các họa sĩ có dịp trải nghiệm vẽ tại Hội An với nhiều góc nhìn, xúc cảm mới mẻ trên chất liệu acrylic, màu nước và sơn dầu.

Thế nhưng, theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, chất lượng tranh tại “Góc nhìn trẻ” chưa đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của một triển lãm chuyên nghiệp.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật kiêm giám tuyển Lý Đợi chia sẻ, có hai yếu tố bất cập tại triển lãm lần này. Đó là hoạt động của trại sáng tác chỉ diễn ra trong một tuần, nên chất lượng tác phẩm chưa cao.

Qua quan sát, khoảng 50% số lượng tác phẩm tại triển lãm không đạt chất lượng. Trong khi đó, đây là hoạt động của đơn vị chuyên nghiệp thuộc Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, vì vậy rất cần sự chỉn chu trong việc chọn lựa tác phẩm trước khi đưa đến công chúng.

Một yếu tố nữa, không gian trưng bày là Công viên đất nung Thanh Hà - nơi thu hút rất đông lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng lãm.

Đã có trường hợp khách du lịch nước ngoài khi tham quan một bảo tàng đã phát hiện ra bức tranh giả. Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng tác phẩm hội họa thấp tại không gian đặc thù, có thể dẫn đến việc đánh giá mặt bằng hội họa của chúng ta.

“Vấn đề quan trọng nhất ở đây là trách nhiệm của người nghệ sĩ với chính con đường sáng tác của mình cũng như với những người yêu nghệ thuật. Nếu đây chỉ là một hoạt động báo cáo, nghiệm thu đơn thuần sau một đợt thực tế sáng tác, thì câu chuyện không có gì bàn cãi.

Thế nhưng, ở góc độ triển lãm của họa sĩ thuộc câu lạc bộ hội họa chuyên nghiệp, cần rút kinh nghiệm để có thể đi đường dài, nhất là đối với những cây cọ trẻ” - ông Lý Đợi nói thêm.

Thực tế sáng tác đến tác phẩm: Đường còn xa

Tương tác về quan điểm của ông Lý Đợi, các họa sĩ cũng cho rằng, thời gian để hoàn thành một tác phẩm hội họa trong trại sáng tác là quá ngắn. Điều này dẫn đến chất lượng tác phẩm chưa đạt là dễ hiểu.

Các họa sĩ lừng lẫy như Lưu Công Nhân, Trần Nguyên Đán… cũng đã đi về Hội An bao bận mới có thể vẽ và cũng chỉ vẽ được vài bức mà thôi.

Họa sĩ Trương Bách Tường - hội viên Hội VH-NT Quảng Nam, cũng là cư dân phố cổ chia sẻ, thông thường hoạt động nêu trên chỉ là báo cáo sáng tác dạng ký họa mang “tính chất nội bộ” sau những đợt họa sĩ đi thực tế. Từ những ký họa này, các họa sĩ sẽ lên tác phẩm ở xưởng, hoàn thiện và đưa tác phẩm đi triển lãm sau khi chọn lựa kỹ lưỡng.

“Vấn đề gây tranh cãi ở đây theo tôi là cách sử dụng ngôn từ khi nhà tổ chức chưa phân biệt được giữa báo cáo sáng tác thực tế và triển lãm mỹ thuật. Bên cạnh đó, phong cảnh Hội An nhìn tưởng dễ nhưng nếu không nắm bắt được cái thần thì cực khó khi lên tác phẩm.

Đơn cử như họa sĩ Trần Nguyên Đán (Hà Nội) phải vào Hội An đến 3 lần, mỗi lần hơn một tháng để nắm bắt cái thần của phố cổ và phải 4 năm sau anh mới ra mắt triển lãm khắc gỗ về Hội An.

Công tâm ghi nhận, thực tế “Góc nhìn trẻ” vẫn có vài ký họa của một số tác giả có được những góc nhìn ban đầu về Hội An rất tốt mặc dù chưa hoàn chỉnh. Hy vọng từ ký họa này, các họa sĩ sẽ sáng tác nên những tác phẩm có giá trị về đô thị cổ Hội An” - họa sĩ Trương Bách Tường nói.

Về phía đơn vị hỗ trợ không gian triển lãm nêu trên, TS-KTS. Nguyễn Văn Nguyên (Công viên đất nung Thanh Hà) cho rằng, triển lãm lần này mang tính chất của một trại sáng tác, các họa sĩ trẻ cùng trải nghiệm, chia sẻ những cảm nhận và thành quả ban đầu của đợt thực tế.

Tại Công viên đất nung Thanh Hà, với tiêu chí là không gian kết nối những người yêu mến chất liệu đất nung và hoạt động nghệ thuật, các sinh hoạt diễn ra đa dạng như các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, tìm hiểu và khám phá trải nghiệm văn hóa làng gốm truyền thống qua các bảo tàng chuyên ngành…

Với góc độ của các nhà phê bình, việc đánh giá khách quan là cần thiết để không khí sinh hoạt nghệ thuật sôi nổi và cởi mở hơn.

Chúng ta rất cần một không khí học thuật thẳng thắn, khách quan theo hướng tích cực, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật hết sức đặc thù như hội họa, để các hoạt động nghệ thuật ngày càng được công chúng đón nhận.

TÂY BÌNH