Góc suy ngẫm

Du mục, dòng chảy người đời

NGUYỄN ĐIỆN NAM 26/05/2024 08:00

Dòng tin trên chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ-Traveloffpath.com, được báo chí Việt Nam dẫn nguồn, cho biết Hội An là một điểm đến mới nổi thu hút dân “du mục kỹ thuật số” (digital nomads). Thấy lạ, bởi từ du mục “mọc ra” từ buổi ban sơ của loài người, nay lại trỗi dậy với nhịp đời…

Có lẽ từ thời thượng cổ, đã xuất hiện hình ảnh đoàn người chăn nuôi súc vật lang thang, không cư ngụ một chỗ cố định nào, nên ngữ nghĩa “du mục” ban đầu chỉ có vậy.

Nổi tiếng trong lịch sử đời sống kiểu du mục có thể kể về dân Mông Cổ lang thang qua các thảo nguyên, rồi dân Digan, Do Thái rải đi khắp các miền châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ… Dòng di cư, thiên di qua hàng thiên niên kỷ dường như tạo ra cái gen “xê dịch” trong loài người vậy, chỉ là lúc ẩn, lúc hiện mà thôi.

Văn chương, nghệ thuật cũng góp phần làm nổi trội “chủ nghĩa xê dịch”, khởi xướng các trào lưu sống kiểu du mục. Trong đó, du ca là dòng âm nhạc réo rắt tiếng gọi mời con người luôn mang tâm thế lên đường, đi bất cứ nơi đâu, đến nơi nào tùy thích, lang thang sống cuộc đời phóng khoáng.

Cách đây tròn một thế kỷ, năm 1924, đã vang lên bản “Tình ca du mục” của nhạc sĩ Boris Fomin (1900 - 1948), truyền thêm ngọn lửa giữa thảo nguyên mênh mông là những tiếng lòng da diết gọi: “Nhắn giúp cho ta chim ơi, nhắn giúp cho ta mây ơi. Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào”.

Như thế, thời nào cũng có dân du mục, thích sống lang thang, không chỉ làm nghề chăn nuôi, mà dần dà lan qua nhiều nghề nữa, trở thành một kiểu sống, hơn thế là hình thành văn hóa có nét đặc trưng độc đáo.

Trở lại câu chuyện “du mục kỹ thuật số”, không chỉ là Hội An của Quảng Nam, hay địa điểm nào của Việt Nam, mà rất nhiều nơi ở nhiều quốc gia từ Âu sang Á, đều có người đến du lịch, kết hợp làm việc, trú ngụ dăm ba tháng, rồi tiếp tục dịch chuyển.

Bước tiến của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, làm cho “thế giới phẳng” đến mức không gian địa lý không còn mấy ý nghĩa cách trở, khó ngăn bước con người đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Thêm nữa những loại cư dân mới xuất hiện, như cư dân mạng, cư dân số, càng đưa nhân loại tiến xa vào toàn cầu hóa. Và “công dân toàn cầu” gần như đã hình thành một lớp người mới sống xuyên biên giới, cư trú, làm việc mọi nơi.

Vậy nên dân du mục kỹ thuật số cũng ra đời như một lẽ tất yếu. Có điều đáng chú ý là những ngành nghề sáng tạo, làm việc chủ yếu qua công nghệ thông tin, kỹ thuật số và mạng internet góp phần định vị, sắp xếp cho các nền kinh tế, trong đó du lịch được hưởng lợi thấy rõ.

Dự phần vào trào lưu du lịch mới, có nhiều quốc gia đã xúc tiến cấp thị thực thuận tiện cho dân du mục số. Điển hình như Brazil, Bồ Đào Nha, Mexico, Đức... đã cấp loại thị thực Digital Nomad nhằm thu hút người nước ngoài kết hợp du lịch với làm việc từ xa. Với quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, có nghiên cứu chỉ ra tới năm 2025, sẽ có hơn 35 triệu người chiếm khoảng 22% tổng số lao động sẽ trở thành đối tượng làm việc trên đường đi du lịch, nghĩa là số dân du mục sẽ càng tăng.

Cùng với các quốc gia phát triển, Đông Nam Á đã vào cuộc thu hút dân du mục số bằng chính sách thoáng mở. Như Thái Lan mang tham vọng lớn khi cấp thị thực Digital Nomad có thời hạn định cư 10 năm với mục tiêu thu hút 1 triệu khách du lịch có tiền và khơi thông 25 tỷ USD chảy vào nền kinh tế trong một thập kỷ tới.

Việt Nam, trong đó có Hội An, Quảng Nam, gần đây cũng là một nơi mà dân du mục số để mắt tìm đến nhiều hơn, thậm chí “ở lì” dài ngày.

“Tình ca du mục” lại vang lên đâu đây trong dòng chảy người đời…

NGUYỄN ĐIỆN NAM