Thế giới ma mị trong "Chuyến xe đi giữa sương mù"
Xuất hiện khá đặc biệt trên văn đàn gồm những câu chuyện và nhận vật riêng đầy ma mị của mình, Nguyễn Hải Yến lập tức được bạn đọc chú ý. “Chuyến xe đi giữa sương mù” - tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Hải Yến khắc họa khá rõ nét phong cách này.
Câu chuyện bắt đầu bằng chuyến xe đi về địa phủ mang tên “Chuyến xe đi giữa sương mù”. Một “giao lộ âm dương” mở ra.
Hãy cùng đi theo tiếng sóng sông. Dòng Vong Xuyên đêm xuôi ngày ngược chảy qua ba thế giới sẽ kể cho ta nghe về một Nam Bình Phủ, sâu hơn mười nghìn mét, dưới chân ta” (Lời tựa). Lái xe là một… linh hồn của gã kỹ sư cầu đường. Hành khách là một cô gái nghề y, một gã đàn ông mang tên Hải Bóng vốn là đại gia nhưng có giấy tờ “có trục trặc tí”...
Chuyến xe đi qua các địa danh đầy ma quái nhưng cũng đầy chất dương gian. Lộ Gò là tên mới ghép từ Gò Đống Móc với Cầu Lộ Cương. Hoa qua Quỷ Môn Quan tới dòng sông hoa đỏ. Dòng Vong Xuyên “càng xuống sâu càng sáng...
Tới “Nam Bình Phủ” họ được “cõi âm” tiếp đón với đầy đủ thủ tục không kém cõi trần ở “trạm tiếp đón Vong Xuyên”. Sau đó được “bàn giao“ về các nơi theo hướng dẫn của ban hậu cần…
Câu chuyện nghe rất quen, như là đang ở chốn dương gian! Những chuyến “đi về” bằng sự trợ giúp của nhiều “người”, nhiều vong đã “nhìn thấy” cuộc sống của những người thân sau khi mình qua đời; nhiều cảnh tượng không thể nào hình dung ra, nhiều cảnh đau lòng…
Một chuyện được đề cập khá đậm nét trong tiểu thuyết là việc cúng “mã” cho người âm. Kiểu như thích gì cúng nấy nhưng quy định của địa phủ là phải… quy ra “vật sống”/ phải “nuôi” mã cho nên nhiều người lâm vào cảnh mịt mù, không biết đến bao giờ mới hết phải nuôi “báo cô” các thứ “hàng mã” người trần hứng chí cúng xuống cho người chết.
Theo “dịch vụ chuyển phát nhanh Địa phủ” hàng mã được chuyển xuống nhưng việc sử dụng chúng cũng lắm nhiêu khê. Trong truyện, nghe như kiểu người sống nhiệt tình quá lại làm khổ người chết mà họ đâu biết!
Các chương “Trưởng ban văn hóa”, “Dịch vụ chuyển Phát nhanh Địa phủ”, “Đây là đài Phát thanh – Truyền hình Địa phủ”… có vẻ như đang “nhái” theo mô hình dương gian với những câu chuyện mới, khóc cười các kiểu đầy vui buồn sướng khổ.
Nhiều hình ảnh khá ấn tượng trong tiểu thuyết. “Đôi bờ Vong Xuyên bên Nam Bình Phủ có một khúc sông rất đặc biệt. Cát ở đấy là cát thủy tinh… Lấy về, đốt lò nung, làm lọ thủy tinh đựng nước mắt dương gian đeo lên cổ người mới xuống”.
Với bình đựng nước mắt, vong hồn cứ làm quần quật đến khi nào “tích đủ điểm” thì sẽ được về lại với trần gian như bé Bin. Thư, cô gái ngành y đưa bé Bin về trần: “Có tiếng sóng Vong Xuyên rì rào ngay dưới chân người. Cây linh hồn của Bin đã chạm chân vào sóng. Thư bế con bé lên thì thầm tạm biệt con, nếu có duyên mình gặp ai, giờ con đi, đừng quay lại, cũng đừng buồn… Con bé chừng hiểu chuyện, lặng lẽ gật đầu. Đôi lọ thủy tinh trước ngực nó vẫn sáng rực như hai viên ngọc”.
Tiếng lão Tổng Trấn vang lên đâu đó “mỗi người, trước khi chuyển sinh, sẽ gởi lại đây tất cả, trong đó đôi lọ thủy tinh đã hóa ngọc, sáng muôn đời. Vì thế, Địa phủ có ngày, sáng đêm mà không cần đến mặt trời…”.
Dòng Vong Xuyên lại chảy ngược từ dưới Âm Phủ đưa người mang theo ánh sáng lên trần gian, phía trên kia, cách hơn mười nghìn mét.
Chuyến xe đem theo lời nhắn nhủ của những người đang ở “khung trời khác” vẫn âm thầm đem yêu thương trở về gieo dọc con đường nối hai phía thời gian.