Sách về Hội An
Sức hấp dẫn của Hội An không chỉ nằm ở giá trị của một “bảo tàng sống” về kiến trúc, lối sống đô thị, cảnh quan. Sức hút của địa danh còn được xác định, giới thiệu qua những trang sách viết về Hội An.
Những năm qua, nhiều công trình có giá trị khoa học và thực tiễn về Hội An lần lượt ra mắt người đọc.
Trước hết phải kể đến 2 cuốn sách mang tính khoa học đó là Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố cổ Hội An năm 1985, được xuất bản năm 2008 và Kỷ yếu Hội thảo Khoa học về Đô thị cổ Hội An năm 1990, xuất bản năm 1991.
Đây là 2 cuốn sách chứa đựng những thông tin khoa học cơ bản về Di sản văn hóa Hội An. Nhiều nhà chuyên môn đã dành tâm huyết đầu tư để khảo cứu, biên soạn, sáng tác như Gió trăng cố quận của Nguyễn Bội Liên năm 1996, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ 17 - 18 của Đỗ Bang năm 1996, Hội An quê tôi của Minh Hương năm 2000, Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa của Nguyễn Quốc Hùng năm 2004…
Nhóm nghiên cứu Hội An cũng đã cộng tác để biên soạn, xuất bản nhiều công trình có giá trị khác. Từ Kiến trúc nhà gỗ Hội An của Trần Ánh; Cư dân Faifo - Hội An của Nguyễn Chí Trung; Di sản văn hóa - văn nghệ dân gian Hội An; Ghe bầu Hội An xứ Quảng; Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An của Trần Văn An...
Đặc biệt, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (sau này là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã biên soạn nội dung và xuất bản các tập sách liên quan về văn hóa, phong tục tập quán của người Hội An. Đó là Lễ hội lễ lệ Hội An; Nghề truyền thống ở Hội An; Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An...
Về tư liệu Hán - Nôm, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đã cho ra đời bộ sách “Di sản Hán - Nôm Hội An”. Bộ tổng tập về di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An gồm 6 tập, Hội An qua châu bản triều Nguyễn; 250 năm phong trào Tây Sơn nhìn từ Hội An; Làng xã ở Hội An qua tư liệu Quảng Nam xã chí và Địa bạ triều Nguyễn…
Ngoài các ấn phẩm bằng giấy còn có một hệ thống lưu trữ phần mềm để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Từ những cứ liệu này, việc hình thành bộ địa chí của vùng đất trở nên có sức nặng hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, ông Phạm Thúc Hồng - người con của Hội An còn được biết đến là tác giả của hàng chục đầu sách, trong đó có các tác phẩm biên dịch, khảo luận, thư pháp.
Từ Văn học Hán - Nôm trong di tích cổ Hội An (chùa Ông), Chùa Cầu Hội An - Cổ sự giao lưu văn hóa Việt - Nhật - Trung, Miếu Quan Thánh (Chùa Ông) Hội An... mở ra những cách tiếp cận đặc biệt với nhiều góc cạnh khác nhau của đô thị cổ Hội An.
Nhiều tập sách viết về Hội An sau này như Hội An trong tôi của Trần Hoàng Đức, Đừng hôn ở Hội An! - Đinh Lê Vũ; Hoi An Panorama của Nhiếp ảnh gia Neil Featherstone, Hội An một thời du lịch của họa sĩ Trương Bách Tường… đã góp phần làm nên một diện mạo Hội An thời hiện đại.
Những tập sách về sưu tầm, khảo cứu của các tác giả Hội An luôn được dư luận đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến trung ương.
Đặc biệt, Hội An là địa phương ưu tiên việc tạo điều kiện cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện cũng như tuyên truyền, giới thiệu các giá trị di sản, phát triển nhiều tủ sách cộng đồng, tủ sách gia đình, hội nhóm đọc sách. Hội An có đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm đông đảo, là thuận lợi để có những tác phẩm có giá trị, làm nguồn tư liệu quý về Hội An.
Qua từng trang sách mang giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp riêng có của Hội An được giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ...