Lao động - Việc làm

Môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ

H.QUÂN - L.DIỄM - X.HIỀN - H.ĐẠO 26/05/2024 15:16

(QNO) - Môi trường làm việc lành mạnh và an toàn là quyền cơ bản của người lao động (LĐ). Tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh là nghĩa vụ của tất cả doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, đối với LĐ nữ, môi trường làm việc an toàn không chỉ bao gồm các tiêu chí về vệ sinh LĐ, sức khỏe nghề nghiệp mà có cả những câu chuyện liên quan vấn đề nhạy cảm của phái nữ.

1.png

Cẩn trọng với những nguy cơ

Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 quy định, hàng năm người sử dụng LĐ phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người LĐ. Đối với LĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần. Bên cạnh đó, LĐ nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản. Tuy nhiên, thực tế, việc khám sức khỏe công nhân vẫn chưa được nhiều nơi coi trọng. Một nữ công nhân cho biết, thường việc khám sức khỏe định kỳ rất qua loa. Siêu âm, khám mắt, tai mũi họng... được thực hiện rất nhanh, giống như thủ tục khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin việc.

2.png
Khám sức khỏe cho người lao động. Ảnh: Q.L

Thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, tổng số LĐ từ 15 tuổi trở lên của Quảng Nam là 930.960 người (chiếm hơn 55% dân số toàn tỉnh). Trong đó LĐ nữ hơn 450.000 người, làm việc nhiều trong lĩnh vực may mặc, giày da, ngành y tế, giáo dục. Do tính chất đặc thù hoạt động sản xuất khác nhau nên nguy cơ về tai nạn LĐ hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp cũng khác nhau.

Năm 2023, Quảng Nam xảy ra 289 vụ tai nạn LĐ làm 289 người bị nạn, trong đó có 5 người chết, 29 người bị thương nặng. Trong số 289 vụ tai nạn LĐ, có 45 vụ do lỗi của người sử dụng LĐ, 175 vụ do lỗi của người LĐ, 69 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh. Các vụ tai nạn LĐ xảy ra chủ yếu trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng...

Theo Cục Quản lý môi trường Y tế, hiện nay bệnh nghề nghiệp đang tăng cao theo xu hướng phát triển các ngành công nghiệp. Năm 2023, qua khảo sát 60/63 tỉnh/thành phố, có gần 2,48 triệu người LĐ được khám sức khỏe định kỳ. Có 46/63 tỉnh/thành phố tổ chức khám phát hiện 34/35 loại bệnh nghề nghiệp, có 7/35 loại bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán mới mắc gồm: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh lao nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

ld-2.jpg
Công nhân làm việc trong môi trường có khói bụi tuân thủ các quy định về ATVSLĐ để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: H.Q

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, trong năm 2023, đơn vị đã tiến hành quan trắc môi trường LĐ cho 163 DN, tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại 80 DN, khám bệnh nghề nghiệp cho 4.599 người, trong đó phát hiện 11 người mắc bệnh nghề nghiệp; tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho 120 DN với tổng số học viên là 8.319 người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, với DN có sự quan tâm đối với sức khỏe người LĐ, đặc biệt là LĐ nữ thì mỗi năm DN sẽ tổ chức quan trắc môi trường LĐ, khám sức khỏe định kỳ cho LĐ. Đặc biệt là LĐ làm việc ở những vị trí công việc có nguy cơ mất an toàn cao, hoặc nguy cơ bệnh nghề nghiệp; những ngành nghề mà mọi vị trí đều có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cũng được DN quan tâm cho đi khám bệnh.

Qua các đợt kiểm tra, thanh tra liên ngành cho thấy người sử dụng LĐ có sự quan tâm, chú trọng hơn trong các hoạt động về vệ sinh LĐ, chăm sóc sức khỏe, nhất là lập hồ sơ vệ sinh môi trường LĐ, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp... Với LĐ nữ, việc đảm bảo các quy định đối với LĐ nữ mang thai, nuôi con nhỏ đều được các công ty thực hiện đảm bảo. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những DN chưa có sự quan tâm đến người LĐ, như chưa quan tâm khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; không quan trắc môi trường LĐ, không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người LĐ theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam

Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên, liên tục. Hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh trực tiếp làm việc với khoảng 20 DN về việc chấp hành quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong các DN. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro về tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp như sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng... Riêng với LĐ nữ thì sẽ kiểm tra thêm việc chấp hành các quy định của DN về chăm lo cho LĐ nữ.

3.png
Môi trường sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng... có nguy cơ tai nạn LĐ nếu không tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ". Ảnh: Q.L

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, hiện vẫn còn không ít DN chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Một số vấn đề nổi cộm như không tự kiểm tra thực hiện pháp luật LĐ, không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm, không báo cáo tình hình tai nạn LĐ... Trên các công trường xây dựng thì nhiều nơi có sự thiếu giám sát, có phần chủ quan trong đảm bảo ATVSLĐ, nhất là LĐ nữ có tham gia các công việc phụ hồ ở công trường xây dựng.

Chúng tôi đã hướng dẫn DN thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời đề nghị các DN có biện pháp khắc phục các hạn chế chưa làm được, không để tái diễn. Những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về ATVSLĐ sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, xử phạt theo quy định.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Nhìn từ những môi trường đặc thù

Di cư an toàn cho lao động nữ

Ngày càng có nhiều LĐ nữ đi làm việc ở nước ngoài theo thời hạn. Và việc đầu tiên các công ty, địa phương quan tâm nhất khi đưa LĐ nữ đi xuất khẩu là giáo dục ý thức của người LĐ khi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt với LĐ nữ, khi ra nước ngoài, phải đối diện với những nguy cơ không thể biết trước. Do vậy, việc hiểu phong tục tập quán, tuân thủ quy định nơi làm việc, pháp luật của đất nước đến làm việc là điều đầu tiên giúp họ phòng tránh những nguy cơ.

xlld-1.jpg
Huyện Nam Trà My tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về chấp hành các quy định của nước sở tại trước khi đi xuất khẩu LĐ. Ảnh: Q.L

Là người đồng bào dân tộc thiểu số, chị Nguyễn Thị Kim Hánh (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) nói rằng ban đầu chị sợ đi ra khỏi huyện chứ đừng nói là đi ra nước ngoài làm việc. Nhưng sau khi nghe tuyên truyền, biết rõ nơi sẽ đến làm việc thời vụ là sự phối hợp giữa huyện Nam Trà My và phía quận Hamyang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc), và có người đi về rồi thì chị mới dám đi. Được học, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, chị Hánh tự tin hơn khi rời khỏi bản làng đến xứ người làm việc trong thời gian 5 tháng.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, LĐ nữ của huyện đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là giúp việc gia đình ở Ả-rập Xê-út, sang Hàn Quốc lao động thời vụ ở các nông trường, nông trại. UBND huyện Nam Trà My yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH huyện, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các công ty tuyển dụng để đảm bảo an toàn cho phụ nữ đi xuất khẩu LĐ.

Kiến thức của LĐ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn hẹp thì việc tuân thủ pháp luật sẽ được pháp luật bảo vệ khi đi xa. Chúng tôi yêu cầu người dân đến làm việc ở các nước phải chấp hành pháp luật của nước sở tại. Không được làm những việc phi pháp để ảnh hưởng đến cá nhân người LĐ, nhất là mất quyền lợi trong thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My

Theo Công ty CP Dịch vụ xuất khẩu LĐ và chuyên gia (SULECO) – một đơn vị tuyển dụng và đưa LĐ sang làm việc ở Nhật Bản, những năm gần đây LĐ nữ đi làm việc qua kênh của SULECO ngày càng nhiều. Để đảm bảo an toàn đối với LĐ nữ trước, trong và sau khi xuất cảnh làm việc, công ty đều đào tạo kỹ càng. Từ tuân thủ quy định pháp luật, tôn trọng văn hóa nước sở tại, cũng như không phạm vào những điều cấm làm khi đi nước ngoài đều được phổ biến rất kỹ trong quá trình đào tạo.

xk.jpg
An toàn đối với LĐ nữ trước, trong và sau khi xuất cảnh làm việc, công ty SULECO đều đào tạo kỹ càng. Ảnh: Q.L

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - phụ trách khu vực Quảng Nam của SULECO cho biết, trong suốt quá trình LĐ làm việc ở nước ngoài, công ty luôn có bộ phận phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản theo dõi, hỗ trợ khi người lao động có khó khăn. Đồng thời sẽ liên tục nắm thông tin từ phía LĐ bằng nhiều kênh như qua Zalo, Facebook, nhóm của những người đi làm việc ở nước ngoài, từ đó biết những khó khăn LĐ nữ gặp phải để hỗ trợ kịp thời. Điều này giúp bản thân mỗi LĐ, và gia đình của mỗi LĐ nữ yên tâm hơn khi con em của họ đi làm việc ở nước ngoài.

Băn khoăn phụ cấp nhân viên y tế

3.anh-du-thi_hstccd.jpg
Điều dưỡng, nữ nhân viên y tế làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ, tuy nhiên, mức phụ cấp hiện nay lại chưa tương xứng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

Môi trường làm việc của đội ngũ y tế, đặc biệt với điều dưỡng, bác sĩ nữ được nhận định khá vất vả lẫn độc hại. Tuy nhiên, phụ cấp nghề lẫn phụ cấp độc hại cho cán bộ y tế hiện vẫn chưa tương xứng.

Hiện chế độ phụ cấp theo Nghị định số 05/2023 của Chính phủ, áp dụng mức phụ cấp 100% đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở đã hết hiệu lực. Từ năm 2024, các chế độ phụ cấp quay trở lại theo như quyết định năm 2011 của Chính phủ, trong thời gian chờ nghị định tiếp theo. Cụ thể, phụ cấp tiền trực (24/24h) được thực hiện theo Quyết định số 73/2011/ QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó mức phụ cấp 65 ngàn đồng/suất cho tuyến huyện và 25 ngàn đồng/suất cho tuyến xã, riêng ngày thứ 7, Chủ nhật là nhân với 1,3 ngày lương, lễ tết nhân với 1,8 và 15 ngàn đồng tiền ăn cho 1 ngày.

Nữ điều dưỡng L.T.H. tại một Trung tâm Y tế cho biết, đặc thù công việc của chị em điều dưỡng, hộ sinh, hộ lý là người trực tiếp thực hiện y lệnh về chăm sóc, theo dõi, ghi chép các triệu chứng diễn biến của người bệnh. Họ cũng là người trực tiếp thực hiện các thao tác kỹ thuật như tiêm, truyền, thay băng, đỡ đẻ, xoay trở người bệnh... nên áp lực công việc rất lớn và nguy cơ phơi nhiễm bệnh lý cũng rất cao do tiếp xúc thường xuyên, liên tục với môi trường đặc biệt (vi trùng, vi rút lây chéo từ người bệnh...). Tuy nhiên, mức phụ cấp như hiện tại không tương xứng với khối lượng công việc mà họ đang phải làm.

4.png
An toàn trong môi trường y tế. Ảnh: Q.L

Tại một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, nữ bác sĩ L.B.N cho biết, do bệnh nhân đông và gặp tình trạng thiếu bác sĩ, nếu tính số giờ làm việc trong 1 tuần của chị phải lên đến 88 tiếng. Trong khi theo quy định, 1 tuần làm việc chỉ từ 40 đến 76 tiếng nếu tính cả khung giờ trực đêm. Phụ cấp độc hại của vị trí bác sĩ bệnh viện tuyến 1 theo quy định được tính bằng 40% lương cơ bản. Trung bình một tháng, thu nhập của bác sĩ N. dao động từ 8 -10 triệu đồng, tuy nhiên, mức này so với thu nhập của một bác sĩ bệnh viện tư nhân lại khá thấp.

Đa số điều dưỡng ở những cơ sở khám chữa bệnh là nữ. Khối lượng công việc khá lớn cộng với các áp lực từ phía bệnh nhân, chưa kể khả năng bị lẫy nhiễm cao do tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, trong khi chế độ phụ cấp nghề lại quá ít ỏi. Có lẽ thu nhập chính là lý do để con số viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc ngày càng cao.

Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có 9.300 viên chức y tế trong cả nước xin thôi việc, bỏ việc. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Mới đây, tại cuộc họp Quốc hội về xây dựng chính sách, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự kiến từ ngày 1/7, Bộ Y tế đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề cao nhất đối với viên chức ngành y tế.

Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng và được áp dụng đối với tất cả các hạng chức danh. Đồng thời khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TƯ cần xem xét tiền lương sao cho cán bộ y tế tương đương ngành giáo dục phải hưởng mức lương cao nhất (tăng 30%) tương thích với những đặc thù về yêu cầu đào tạo, trách nhiệm nặng nề trong môi trường làm việc độc hại, nghề nghiệp nhiều rủi ro, tai biến y khoa và điều kiện làm việc còn nhiều bất cập...

Nỗ lực chăm lo cho người lao động

ld-3.jpg
Công nhân nữ làm việc trong Phòng thí nghiệm KCS, Công ty TNHH MTV Xi măng Xuân Thành. Ảnh: Q.L

Bà Huỳnh Thị Trà My làm việc tại Phòng thí nghiệm KCS, Công ty TNHH MTV Xi măng Xuân Thành (đóng tại Nam Giang) được 11 năm. Với đặc thù công việc là kiểm tra chất lượng sản phẩm xi măng, thường xuyên tiếp xúc hóa chất, khói bụi nên vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được bà chú ý. Công ty quan tâm cấp phát trang phục bảo hộ định kỳ và có yêu cầu khắt khe về ATVSLĐ. Công nhân, LĐ bắt buộc phải có đồ bảo hộ, găng tay, mũ, khẩu trang trong quá trình làm việc.

Trong quá trình làm việc, mỗi người phải tự biết bảo hộ để hạn chế nguy cơ bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Khi LĐ nữ có thai sẽ được giảm giờ làm theo quy định, công ty bố trí công việc văn phòng, ít tiếp xúc khói bụi, hóa chất mà vẫn không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích trong suốt thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Cạnh đó, sẽ được nghỉ thêm 10 phút giữa giờ vào mỗi buổi làm việc”.

Bà Huỳnh Thị Trà My - nhân viên Công ty TNHH MTV Xi măng Xuân Thành

[VIDEO] - Bà Huỳnh Thị Trà My - nhân viên Công ty TNHH MTV Xi măng Xuân Thành đánh giá về nỗ lực DN trong chăm lo cho LĐ nữ:

20240508_110119.jpg
Xí nghiệp may Ánh Sáng 2 (Thăng Bình) tạo môi trường làm việc an toàn cho LĐ nữ. Ảnh: Q.L

Làm việc tại xí nghiệp may Ánh Sáng 2 (Thăng Bình), trong một lần trên đường đi làm về, không may bị tai nạn giao thông khiến chị Đoàn Thị Dương Xuân Thủy phải nhập viện điều trị bệnh. Sau 3 tháng điều trị, chị Thủy khỏe lại và đi làm, nhưng nửa thân bên trái yếu hơn do di chứng tai nạn, chị Thủy được công ty tạo điều kiện, bố trí công việc nhẹ hơn để chị có thu nhập lo cho con cái.

“Công ty và địa phương đã hỗ trợ tôi làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn LĐ. Giám định thương tật thì tôi bị tai nạn LĐ suy giảm sức khỏe là 25%. Khi đi làm lại công ty đã hỗ trợ nhiều mặt, bố trí việc làm nhẹ hơn, dù thu nhập có thấp hơn do năng suất LĐ không được như trước, nhưng sức khỏe yếu mà có việc làm ổn định là mừng rồi” - chị Thủy nói.

5.png
Doanh nghiệp chăm lo cho người LĐ. Ảnh: Q.L

Hiện nay ATVSLĐ trong mỗi DN vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là nghĩa vụ của người LĐ. Tại mỗi DN, ngoài ban giám đốc còn có tổ chức công đoàn cơ sở, tham gia phối hợp, chung tay giám sát việc đảm bảo ATVSLĐ cho người LĐ.

[VIDEO] - Công ty TNHH MTV Xi măng Xuân Thành chăm lo cho lao động nữ:

Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2023, các cấp công đoàn đã lồng ghép tổ chức 769 cuộc tuyên truyền về giới, bình đẳng giới trong nữ công nhân viên chức LĐ, có 21.633 lượt tham gia; 33 lớp tập huấn công tác nữ công cho 3.212 cán bộ công đoàn tham gia. Qua khảo sát, có 162 DN có chính sách riêng cho LĐ nữ, trong đó có điều khoản về ATVSLĐ được đưa vào Thỏa ước lao động tập thể, trong đó, bảo đảm có buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; có 224 DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ, chuyên khoa phụ sản… cho nữ công nhân LĐ. Có khoảng 10 DN trên địa bàn đã lắp đặt và vận hành 18 phòng vắt/trữ sữa...

vac-sua.jpg
Hiện có 10 DN trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt và vận hành 18 phòng vắt/trữ sữa... Ảnh: Q.L

Ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế & Khu công nghiệp tỉnh cho biết, các công đoàn cơ sở trực thuộc luôn được yêu cầu phải đảm bảo chế độ, an toàn cho mỗi LĐ. Qua quá trình giám sát và phối hợp thanh tra, kiểm tra với các cấp, DN đều có chế độ ưu tiên dành cho LĐ nữ.

[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Celebrity Fashion Vina chia sẻ về nỗ lực chăm lo cho đoàn viên công nhân:

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý vệ sinh LĐ, chăm sóc sức khỏe người LĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Theo Bộ Y tế, tình hình tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người LĐ có xu hướng gia tăng; đặc biệt trong các cơ sở lao động vừa, nhỏ và các ngành nghề có nguy cơ cao như khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, sử dụng hóa chất, khai thác mỏ...

H.QUÂN - L.DIỄM - X.HIỀN - H.ĐẠO