Điểm tựa lòng dân - Bài 1: Dựng xây nền móng
Bên cạnh những quyết sách đúng đắn, cách làm hay nhằm khơi dậy sức mạnh nội sinh, tinh thần khát vọng phát triển quê hương, điểm tựa lòng dân là gốc rễ tiếp thêm năng lượng cho thị xã Điện Bàn trên con đường phát triển.
Bài 1: Dựng xây nền móng phát triển
Điện Bàn là một huyện anh hùng trong kháng chiến, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để lên thị xã là cả hành trình tạo nền móng từ chủ trương chính sách đi vào lòng dân.
Những cột mốc đáng nhớ
Còn nhớ năm 2014, huyện Điện Bàn xây dựng đề án lên thị xã, đưa ra phản biện trước nhân dân thông qua các cuộc họp do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức, người dân đã lắng nghe, góp ý, điều chỉnh một số nội dung phù hợp với thực tế tại địa phương và thông qua đề án.
Ông Trần Muộn - trưởng thôn Bồ Mưng 1, xã Điện Thắng Bắc lúc bấy giờ nhớ lại, khi có văn bản chỉ đạo của Mặt trận huyện Điện Bàn, ông tổ chức họp quân dân chính trước, sau đó triển khai họp dân. Khi nghe trình bày đề án, nhân dân đồng tình thực hiện các chủ trương sớm đạt kết quả đề ra.
Vào ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Đề án của Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã.
Kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án với 100% đại biểu có mặt tán thành và ban hành Nghị quyết số 889/NQUBTVQH13 công nhận huyện Điện Bàn thành thị xã. Lúc bấy giờ Điện Bàn có 13 xã, 7 phường nội thị.
Từ cột mốc quan trọng đó, Đảng bộ Điện Bàn phát động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh.
Ông Hồ Đắc Bê - nguyên Trưởng ban Dân vận thị xã kể lại, lúc đó thị xã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền, vận động đi trước.
Cán bộ sâu sát địa bàn dân cư, truyền đạt đến nhân dân những chủ trương, chính sách về xây dựng NTM. Nói rõ việc nào của Nhà nước, việc nào của người dân, việc nào của tỉnh, của thị xã, của xã...; rồi Nhà nước đầu tư hạng mục nào, nhân dân đóng góp những gì được đưa ra công khai, thảo luận trước khi thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
Năm 2015, trong số 13 xã trên địa bàn, thị xã Điện Bàn có 10 xã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt 14/19 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2016.
Trên cơ sở số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn, Tổ công tác thẩm tra hồ sơ và khảo sát thực tế tại thị xã Điện Bàn đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM tại Quyết định số 494, ngày 29/3/2016.
Ngày 29/4/2016, Điện Bàn tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM, nhân dân vô cùng phấn khởi.
Dựa vào sức dân
Năm 2016, toàn thị xã Điện Bàn có 1.498 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Không thể phát triển nếu để cái nghèo trì kéo, vì vậy chính quyền thị xã đã đề ra nhiều giải pháp, đa dạng các hoạt động chăm lo người nghèo, khơi dậy nội lực trong dân theo phương châm “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để những hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Mô hình chung tay giảm nghèo ở Điện Ngọc là minh chứng điển hình phong trào ý nghĩa này.
Hội LHPN phường Điện Ngọc là một trong 20 hội cấp xã, phường làm tốt công tác thu gom phế liệu, bán lấy tiền trao phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo thông qua mô hình “Phụ nữ chung tay giảm nghèo”.
Năm 2016 phát động, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020, trên địa bàn phường Điện Ngọc không còn hộ nghèo, trừ những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Đến cuối năm 2023, thị xã Điện Bàn còn 420 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025). Kết quả đó là nhờ phong trào thi đua giảm nghèo lan tỏa khắp thị xã và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đặc biệt với đoàn thể phụ nữ, những việc làm tuy rất nhỏ trong cuộc sống thường ngày đã đem đến niềm vui, vơi bớt những khó khăn, vất vả cho những hội viên gặp hoàn cảnh không may.
Và hơn tất cả đó là sự gắn kết mật thiết giữa cán bộ hội với hội viên trong thực hiện chủ trương của hội cấp trên, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết chung tay vì cuộc sống cộng đồng.
Thị xã Điện Bàn có vùng đất nổi tiếng là Gò Nổi gồm 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ năm 2014 cả 3 xã đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận xã NTM, về đích sớm hơn một năm so với mục tiêu đặt ra.
Về Gò Nổi hôm nay, dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn 17 thôn đều có nền đường tối thiểu 4,5-5m, mặt đường 3m-3,5m được cứng hóa 100%, có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh bóng mát, trồng hoa tạo cảnh quan, cắm biển báo giao thông, tên đường. Với sự quyết tâm và nỗ lực, sau 9 năm chung tay, đến nay 3 xã Gò Nổi đã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ông Phan Ngọc Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn cho biết, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng khắp, có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, từng địa bàn khu dân cư, huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia của các tầng lớp nhân dân. Qua đó đã tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thị xã.
------------------
Kỳ cuối: Góp sức vì an sinh và văn minh đô thị