Canh lửa cho rừng phòng hộ ven biển mùa nắng nóng
(QNO) - Những nhân viên của Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, ngoài nhiệm vụ thường xuyên bảo vệ "lá phổi xanh", mùa cao điểm nắng nóng còn phải có mặt ở các điểm nhạy cảm trong khu vực rừng phòng hộ ven biển để nhắc nhở người dân dùng lửa đúng quy định, tránh sự cố gây cháy rừng.
Chiều 15/4 Âm lịch, ông Ngô Văn Xuân, nhân viên Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đến các nghĩa địa trên địa bàn xã Bình Nam (Thăng Bình) nằm trong rừng phòng hộ ven biển để nhắc nhở người dân cẩn thận dùng lửa thắp hương. Thấy hai người mang theo bó hương đi vào rừng lấy lá khô nhóm lửa đốt hương, ông vội chạy đến dặn dò: "Nắng nóng, hai chị tránh để lửa bén vào rừng". Được nhắc nhở, hai người mồi hương xong thì dùng cát lấp lửa.
Rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam rộng hơn 3.600ha, trải dài từ huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Trong đó 2.875ha có rừng, 761ha đất trống, ngập nước theo mùa. Rừng được trồng từ những năm 1990 do dự án PACSA của Nhật tài trợ gồm các loại cây bạch đàn, keo, phi lao... Cây rừng trồng xen lẫn với mồ mả, đất canh tác của người dân.
Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam quản lý khoảng 2.000ha từ huyện Duy Xuyên đến Thăng Bình, với chiều dài gần 30km, nơi rộng nhất 3km. Khu vực này được đánh giá nguy cơ cháy lớn nhất tỉnh, bởi hàng năm ngoài lá rụng theo chu kỳ còn có tình trạng thân cây, cành bị gió bão gây gãy đổ khô xếp lớp dày đặc. Khi trời nắng nóng lớp thực bì trên cát khô như rang, rất dễ bén lửa.
Vào ngày mùng 1, 15 Âm lịch hằng tháng, hay những ngày lễ tâm linh, người dân thường ra nghĩa địa trong rừng thắp hương, đốt vàng mã, nguy cơ cháy lan sang rừng phòng rất cao. Theo thống kê, năm 2023 rừng ven biển Quảng Nam xảy ra gần 20 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 50ha, trong đó huyện Thăng Bình 7 vụ, thiệt hại 37ha.
Để giảm thiểu thiệt hại, đầu mùa khô các cơ quan quản lý tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng. Được phân công phụ trách bảo vệ hơn 400ha rừng ven biển ở xã Bình Nam và Bình Đào (Thăng Bình), ông Ngô Văn Xuân - nhân viên của Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam thường đi tuần tra rừng ở những nơi có nghĩa địa, người dân hay sử dụng lửa để thắp hương, đốt vàng mã.
Riêng ngày đầu và giữa tháng âm lịch, thời gian làm việc của nhân viên bảo vệ rừng thường kéo dài đến 19 giờ tối. Bởi trước và trong ngày này người dân ra mộ thắp hương nhiều. Để hạn chế việc bất cẩn dùng lửa của người dân, ông Xuân đã mang theo loa đến các nghĩa địa ở trong rừng phát cảnh báo, nhắc gây cháy rừng có thể phạt đến mức 100 triệu đồng hoặc nặng hơn bị phạt tù đến 12 năm.
Ông Xuân đảo quanh hết nghĩa địa này đến nghĩa địa khác. Nhiều lúc thấy người dân đã về, nhưng hương đang còn cháy, ông đứng canh hương tàn rồi mới rời đi. "Quy định thời tiết nắng nóng trên 36 độ C là không được đưa lửa vào rừng, có thể bị phạt, song đây là chuyện tâm linh nên không thể mạnh tay xử lý" - ông nói.
Cách khu rừng nơi ông Ngô Văn Xuân phụ trách khoảng 10km, ông Trịnh Ngọc Sơn, nhân viên Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam phụ trách quản lý bảo vệ hơn 150ha rừng ở xã Bình Sa cũng tuần tra canh gác rừng đến tận tối khuya mùng 15/4 Âm lịch. Ông mang theo cơm ăn trong rừng để canh lửa từ sáng đến tối.
Thời điểm người dân thắp hương chiều tối hoặc sáng sớm là lúc ông mang theo chiếc xẻng đảo quanh khu nghĩa địa. Quan sát những nơi có khói hương bốc lên, ông đến tìm những nơi mồi lửa dùng xẻng xúc cát phủ lại.
"Mồ mả sát rừng có lớp thực bì dày 10cm nên rất dễ bén lửa. Giữa rừng cát trời nắng nóng không có nước để tưới nên dùng cát lấp là biện pháp hiệu quả nhất" - ông Sơn cho biết. Khi gặp người dân đang thắp hương ông đến dặn dò phải dập lửa trước lúc rời đi, còn người đã đi nhưng hương đang cháy ông nán lại chờ cháy hết.
Hơn 3 năm công tác ở Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam, ông Sơn không ít lần cùng lực lượng chức năng chữa cháy rừng. Năm trước xảy ra vụ cháy rừng ven biển ở xã Bình Dương, ông cùng lực lượng chức năng dập lửa dập từ sáng đến tối, phải trắng đêm canh lửa bùng phát trở lại.
"Khó khăn dập lửa cháy rừng ở khu vực này là không có nước, để ngăn lửa dùng máy thổi gió làm đường băng ngăn cháy. Một giải pháp hiệu quả xúc cát dập đám cháy" - ông nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam cho biết, đơn vị có 4 người phụ trách ở rừng phòng hộ ven biển. Ngoài ra, còn có lực lượng kiểm lâm cơ động của tỉnh và chính quyền huyện, xã.
"Từ khi kiểm lâm tăng cường công tác tuyền truyền nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và trách nhiệm hơn trong việc thắp hương, đốt vàng mã; bắt đầu hình thành thói quen dùng nước hoặc cát lấp lại khói lửa ở các nghĩa địa nằm trong rừng"
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam
Ngày mùng 1 và 15 Âm lịch hằng tháng được xác định là những ngày xảy ra nguy cơ cháy rừng cao nên đợn vị tăng cường thêm lực lượng. "Rút kinh nghiệm từ các năm trước, đầu mùa nắng nóng năm nay để bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đẩy mạnh công tác tuyên tuyền. Mỗi ngày ít nhất có 2-3 kiểm lâm đi xe máy gắn loa tuyên truyền lưu động.
Khu vực nghĩa địa trong rừng được cắm biển cấm lửa để cảnh báo. Từ đầu năm đến nay, rừng ven biển mới xảy ra hai điểm phát lửa được phát hiện dập tắt không gây thiệt hại rừng. Số vụ cháy thấp hơn các năm trước" - ông Nguyên thông tin.
Ngoài tuyên truyền, kiểm lâm khi phát hiện người dân vào rừng đi thắp hương, hoạt động trong rừng sẽ ghi hình để phục vụ điều tra nếu rừng bị cháy ở khu vực đó.