Nhà nước và cử tri

Thảo luận Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề xuất thêm phương án hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

NGỌC QUYÊN 27/05/2024 18:10

(QNO) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 27/5 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp toàn thể ở hội trường thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tranh luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội lần này là quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần.

Theo đó, tại Điều 74 và Điều 107 dự thảo Luật BHXH đưa ra 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Với phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, tức là người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện; nhóm 2,người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần này. Trong khi đó, phương án 2 quy định người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mặc dù hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao, song đây là các phương án chiếm ưu thế, nhất là phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án 1 và cũng có nhiều đại biểu lại ủng hộ phương án 2.

Chưa đồng tình với các ý kiến thảo luận trước mình, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam xin tranh luận và được chủ tọa kỳ họp đồng ý cho tranh luận.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, hai phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng nhưng chưa phải là những phương án tối ưu nhất. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 (ngày dự kiến luật có hiệu lực) thì được rút hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sau ngày này thì không được rút.

Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi hợp pháp, hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực. Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như khắc những hạn chế của hai phương án, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất tích hợp hai phương án của dự thảo luật thành phương án mới để giải quyết được vấn đề quyền lợi trước mắt của người lao động và về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội với tinh thần quyền lợi người lao động phải được ưu tiên trên hết, trước hết, đảm bảo nguyên tắc có đóng - có hưởng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, đề nghị không phân biệt các trường hợp đóng trước hay sau ngày luật này có hiệu lực để hưởng BHXH một lần; nên quy định những trường hợp đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư... thì được rút BHXH một lần toàn bộ số tiền đã đóng. Những trường hợp còn lại chỉ được rút số tiền do người lao động trực tiếp đóng từ tiền lương của người lao động (8%), số tiền còn lại do người sử dụng lao động đóng thì được giữ lại để sau này người lao động hưởng lương hưu.

Kết thúc phần tranh luận của mình, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban soạn thảo cần xem xét nghiên cứu, tiếp thu phương án đề xuất và lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chọn 1 trong 3 phương án phù hợp nhất đối với quy định hưởng chế độ BHXH một lần.

Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng quy định về xử lý các trường hợp cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH của dự thảo luật chưa đủ tính răng đe khi mức xử phạt thấp; đề nghị cần quy định ngoài việc phải nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH thì phải tính mức phạt tương đương với lãi suất quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp cố tình chiếm dụng quỹ BHXH.

Về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đại biểu thống nhất với quy định về quyền khởi kiện của công đoàn; tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là quy trình, thủ tục để tổ chức công đoàn khởi kiện rất khó, nhất là quy định về ủy quyền của người lao động và doanh nghiệp trước khi bị khởi kiện phải được kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị quy định cụ thể trong luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tiến hành khởi kiện sau khi kiến nghị qua giám sát, thanh tra của công đoàn nhưng doanh nghiệp cố tình không chấp hành; không nhất thiết quy định đã bị xử lý vi phạm hành chính mới được khởi kiện.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội dành thời lượng cả ngày 27/5 để thảo luận dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trước khi Quốc hội đồng ý thông qua tại kỳ họp này vào ngày 25/6 sắp đến.

NGỌC QUYÊN