Thủy sản

Ngư dân Quảng Nam nỗ lực kép trong vụ cá chính

VIỆT NGUYỄN 28/05/2024 07:30

Đang vụ cá chính, ngư dân nỗ lực đánh bắt hải sản đạt sản lượng gắn với đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

ngu-dan.jpg
Ngư dân Bùi Văn Sanh bên tàu lưới vây QNa-91838 vừa cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Từ phía ngư dân

Ngư dân Bùi Văn Sanh (thôn Đông Bình, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-91838 vừa cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản.

Ông Sanh cho biết, chuyến biển đạt hơn 7 tấn cá nục, cá ngừ sau 22 ngày sản xuất với 14 bạn biển ở ngư trường Hoàng Sa. Với giá bán chỉ hơn 20 nghìn/kg, ông Sanh thu được hơn 140 triệu đồng, dôi dư không nhiều sau khi trừ chi phí nên chia hết cho các lao động.

Theo ngư dân Bùi Văn Sanh, vụ cá chính vốn thuận lợi nhưng thời tiết trên biển những ngày qua rất thất thường.

Ngoài việc trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, tàu cá QNa81838 phối hợp chặt chẽ với các tàu cá khác trong cùng tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển số 2 thôn Đông Bình để tương trợ lẫn nhau khi có tình huống thất thường trên biển.

“Không ít lần chúng tôi lai dắt tàu cá bị chết máy hay cùng gia cố tàu cá không may bi vỡ be tàu. Nhờ đánh bắt theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, chúng tôi chia sẻ ngư trường có nhiều luồng cá hoạt động và trợ lực lẫn nhau để đối phó với biển động bất ngờ” - ông Sanh cho biết.

Từ đầu năm đến nay, đã có tàu cá Quảng Nam gặp tai nạn đáng tiếc trên biển. Đơn cử, tàu cá QNa-01160 do ngư dân Trần Văn Tuần (xã Tam Hải, Núi Thành) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng khi đang ở cách cửa An Hòa hơn 4 hải lý thì bị tàu hàng đâm lật úp lúc 4 giờ 30 ngày 2/2.

Ông Tuần cùng 3 ngư dân khác vội thoát thân trước khi tàu bị chìm hẳn; trong khi đó anh Trần Văn Tú và Hồ Quang Vũ mắc kẹt ở cabin tàu nhiều giờ liền. Rất may sau đó tất cả các ngư dân bị chìm tàu đều thoát chết.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, vụ tai nạn trên không có lỗi từ phía ngư dân. Ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nỗ lực phòng chống tai nạn xảy đến với tàu cá khi đang hoạt động trên biển.

ngu-dan-2.jpg
Ngư dân Quảng Nam nỗ lực đánh bắt hải sản đạt sản lượng gắn với đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ảnh: Q.VIỆT

Hỗ trợ từ ngành chức năng

Thời gian qua, ngành thủy sản phối hợp với Đại học Nha Trang mở các lớp tập huấn phổ biến, trang bị các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho ngư dân về an toàn hàng hải; cách ứng cứu trên biển; cách phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp xảy ra tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Theo ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hỗ trợ ngư dân đảm bảo an toàn khi đánh bắt hải sản trên biển là rất cấp thiết. Ngành thủy sản khuyến cáo cộng đồng ngư dân đầu tư đầy đủ trang thiết bị hảng hải trên tàu cá; đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu cá khi hoạt động trên biển.

“Các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng tàu cá (AIS), thiết bị theo dõi hành trình tàu cá (VMS). Lực lượng biên phòng cần kiên quyết không để tàu cá ra khơi khi không đảm bảo an toàn” - ông Long nói.

Một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn cho tàu cá khi khai thác hải sản trên biển là chủ tàu phải thực hiện đăng kiểm. Tuy vậy, những ngày qua do thiếu nhân lực nên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT) dừng hoạt động đăng kiểm.

Tổ chức trung tâm đăng kiểm cần nhiều chuyên ngành như máy tàu, vỏ tàu, điện tàu, thông tin liên lạc, khai thác… theo quy định hiện hành.

Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, đơn vị đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh giải quyết khó khăn về nhân lực đăng kiểm để hỗ trợ ngư dân thực hiện tốt đăng kiểm vì những chuyến biển an toàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn cho tàu cá của ngư dân Quảng Nam khi đang hoạt động trên biển. Tàu cá bị tàu khác đâm do không có các trang thiết bị tín hiệu, nhất là đèn, còi.

Tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy do ngư dân sử dụng máy cũ làm máy chính và không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu.

Nhiều tàu cá của ngư dân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm…

Đáng nói, hiện nay, do thiếu nhân lực đi biển nên nhiều chủ tàu sử dụng các lao động không nắm bắt được các quy định, chuyên môn về an toàn cho người và phương tiện khi đang khai thác hải sản trên biển.

VIỆT NGUYỄN