Bắc Trà My cần kịp thời giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
(QNO) - Tại buổi làm việc với huyện Bắc Trà My vào sáng nay 28/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Quảng Nam yêu cầu địa phương gấp rút triển khai phân bổ vốn thực hiện các dự án; đồng thời tập trung giải ngân vốn, đảm bảo triển khai chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo các Chương trình MTQG đạt hiệu quả.
Giải ngân vốn thấp
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của các Chương trình MTQG năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022, 2023 kéo dài) gần 493 tỷ đồng.
Trong đó, vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024 hơn 241 tỷ đồng (vốn đầu tư gần 143 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 98 tỷ đồng). Riêng vốn năm 2024 hơn 251 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư hơn 159 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 91 tỷ đồng.
Tính đến ngày 25/5/2024, Bắc Trà My đã phân bổ các nguồn vốn gần 144 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 82 tỷ đồng và vốn sự nghiệp gần 62 tỷ đồng. Đồng thời giải ngân được gần 46/493 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9% (vốn đầu tư 12% và vốn sự nghiệp 5%).
Quá trình triển khai, Bắc Trà My gặp một số khó khăn vướng mắc khiến công tác giải ngân vốn chậm. Cụ thể, dự án 2 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương không có nhu cầu vì đã thực hiện theo chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bắc Trà My đề nghị điều chỉnh vốn từng nội dung của tiểu dự án, dự án Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sang nội dung của tiểu dự án, dự án khác, với tổng nguồn vốn gần 48,5 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản cho phép địa phương điều chuyển nguồn kinh phí không giải ngân được trong năm 2024 sang nội dung thực hiện dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện) theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, với kinh phí hơn 9 tỷ đồng; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các nội dung thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tuyến đường cây xanh bóng mát…
Dự án 5 về nội dung đào tạo nghề, qua rà soát, tại địa phương không có đối tượng, vì trùng với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; nội dung đào tạo dự bị đại học, sau đại học không thuộc thẩm quyền của cấp huyện; trong khi đó, nội dung bồi dưỡng tiếng DTTS chưa có hướng dẫn thực hiện; nội dung bồi dưỡng kiến thức DTTS không còn đối tượng.
Ngoài ra, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đối với chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao xã Trà Dương, hiện nay một số chỉ tiêu chưa đạt, khó thực hiện như triển khai khám chữa bệnh từ xa vì hiện nay thực tế người dân không cần dịch vụ này; đồng thời xã cũng thiếu trang thiết bị để thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Tập trung phân bổ vốn
Ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, qua báo cáo, có khoảng 72 tỷ đồng của Bắc Trà My "chưa có địa chỉ" các hạng mục đầu tư. So với các địa phương, Bắc Trà My có nguồn vốn chưa phân bổ khá lớn.
Theo ông Diêu, trong trường hợp địa phương không có nhu cầu về đầu tư các hạng mục, cần điều chuyển vốn này về tỉnh để tỉnh có sự cân đối chuyển nguồn vốn này cho địa phương nào cần, đảm bảo theo nhu cầu cấp thiết theo Nghị quyết 111 của Quốc hội.
"Nếu được, địa phương tập trung đầu tư đến thiết chế văn hóa, cụ thể là nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, vừa là nơi để phòng tránh thiên tai trong cộng đồng dân cư" - ông Diêu chia sẻ.
[VIDEO] - Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My chia sẻ tại cuộc họp:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, mặc dù giải ngân vốn còn chậm nhưng Bắc Trà My đã kiểm soát được từng danh mục, từng đầu việc các nguồn đầu tư đang được triển khai. Điều đó, cho thấy, địa phương đã nỗ lực trong việc thực hiện các dự án.
"Tất cả các đầu việc đã có mã số rồi thì việc quyết toán rất nhanh. Thời gian đến, địa phương cần tập trung cao độ cho việc phân bổ nguồn, trong đó cụ thể từng chương trình để tiến hành giải ngân vốn. Sau cuộc họp này, cần phân nhóm chương trình, ưu tiên hoàn thành hồ sơ, mã số công trình; đồng thời ưu tiên quyết toán hoàn thành các dự án để kịp thời giải ngân vốn.
Ngoài ra, ưu tiên rà soát chuyển nguồn các tiểu dự án, dự án khó triển khai. Địa phương và các nhà đầu tư cần ký cam kết về tiến độ triển khai thực hiện, tuyệt đối không để mất nguồn. Cuối năm, nếu chưa hoàn thành mà không có lý do bất khả kháng, dứt khoát không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.