Gỡ vướng cho phát triển sâm Ngọc Linh
(QNO) – Sau buổi khảo sát thực tế, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My về tình hình phát triển cây sâm Ngọc Linh vào chiều 28/5.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng các sở, ngành của tỉnh.
Rào cản phát triển vùng sâm
Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, hiện các văn bản pháp luật có quy định về việc các tổ chức, cá nhân không được đưa vật liệu khó phân hủy, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng trong trồng sâm. Điều này ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh của người dân, nhất là trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sương muối, mưa đá liên tục xảy ra khiến sâm con chết hàng loạt.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết, lưới thép gai là một trong những vật dụng người dân sử dụng để bảo vệ vùng sâm. Song nếu đưa ra thì người dân loay hoay trong giải pháp bảo vệ, nhất là phòng chống nạn trộm cắp sâm. Người dân rất mong muốn các cấp, ngành hướng dẫn một số vật liệu thân thiện để họ triển khai tập trung phát triển.
Kiến nghị của lãnh đạo huyện Nam Trà My, vùng trồng sâm Ngọc Linh đang chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng phát triển cây sâm. Quá trình di thực sâm xuống vành đai dưới 1.500 cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt, khi chỉ phát triển trong thời gian đầu và chậm dần trong những năm tiếp theo.
Về cơ chế chính sách, hiện nay Sở Tài chính chủ trì việc ban hành đơn giá cho cây sâm giống 1 tuổi theo Nghị quyết 09/2022 của HĐND tỉnh, trong khi đó cây sâm giống từ 2-4 tuổi vẫn chưa quy định cụ thể. Điều này gây khó khăn để người dân đầu tư và phát triển sâm Ngọc Linh.
Theo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, nguồn vốn hỗ trợ cây giống trong năm 2024 quá thấp so với kế hoạch phân kỳ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của HĐND tỉnh. Cụ thể, nguồn phân bổ năm 2024 là 15 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi được giao tại Đề án triển khai thực hiện Quyết định số 611 ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ trong năm nay là 120.000 cây. Điều này cũng gây khó khăn cho trung tâm trong việc cung ứng cây giống để hỗ trợ cho người dân; không phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 09.
Định hướng cho sự phát triển
Đại diện Sở Tài chính cho biết, năm 2023, đơn vị định giá cây giống sâm Ngọc Linh chậm đã ảnh hưởng đến Nam Trà My trong việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân. Từ năm 2024, Sở Tài chính quyết tâm định giá sớm và sẽ ban hành trong tháng 6. Về định giá cây sâm từ 2-4 tuổi đang nằm ngoài nhiệm vụ của sở, cần sự chỉ đạo UBND tỉnh để triển khai thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, chính vì chưa định giá được cây sâm Ngọc Linh nên việc buôn bán trên thị trường chủ yếu dựa vào “niềm tin”. Với những cây sâm trên 5 tuổi, việc định giá phải dựa vào nhiều yếu tố và phụ thuộc vào thị trường. Trong khi cây sâm 2-4 năm tuổi đang trong giai đoạn cây giống thì hoàn toàn có cơ sở để định giá được. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần xem xét, đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung vào Nghị quyết 09 để giao Sở Tài chính thực hiện.
Nam Trà My đang triển khai trồng sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Hiện đã có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng sâm với tổng diện tích hơn 1.650ha. Cạnh đó, huyện đã thu hút được 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký gần 342ha.
Năm 2023, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 103.333 cây sâm Ngọc Linh giống 1 tuổi cho 1.695 hộ dân. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sâm Ngọc Linh thông qua phiên chợ hàng tháng, sàn giao dịch thương mại điện tử và hoạt động du lịch.
Về việc đưa vật liệu không thân thiện vào vườn sâm cũng không nên quá cứng nhắc. Địa phương cần xem xét tình hình thực tiễn để hướng dẫn người dân thực hiện. Những quy định nào của pháp luật chưa sát thực tế thì tiếp tục kiến nghị để đảm bảo lợi ích của người dân. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu thực tiễn, sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các loại vật liệu nào được phép hoặc không được phép mang vào vườn sâm.
[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ huyện Nam Trà My:
“Để thực hiện tốt Chương trình sâm Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 611 ngày 1/6/2023, hệ thống chính trị huyện Nam Trà My cần quyết tâm chính trị cao hơn nữa và cần có thêm những cách làm sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn xa hơn. Trong đó, tập trung tham mưu tốt cho tỉnh, trung ương những nội dung trong Quyết định số 611; tận dụng tốt nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hóa để đầu tư thực hiện” – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Ngoài ra, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh xem xét tăng mức kinh phí thực hiện Nghị quyết 09 phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời tập trung hiện thực hóa Quyết định số 611 với tinh thần không “chờ đợi”. Trong đó, phải chủ động ban hành kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn, tham mưu điều chỉnh phù hợp để đi trước, đón đầu; hỗ trợ huyện Nam Trà My về quảng bá hình ảnh cây sâm Ngọc Linh, xúc tiến thương mại các sản phẩm từ cây sâm trên thị trường quốc tế.
Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với một số doanh nghiệp lớn để mời gọi đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh, hướng tới xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự mặn mà, vẫn cần các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác di thực, đầu tư hạ tầng vùng sâm, bảo tồn nguồn gen gốc, truy xuất nguồn gốc…