Điểm tựa lòng dân - Bài cuối: Góp sức vì an sinh và văn minh đô thị
Khi thị xã Điện Bàn có nhiều xã lên phường, đời sống nhân dân còn khó khăn nên công cuộc xây dựng văn minh đô thị và chăm lo an sinh xã hội trở nên cấp thiết. Lắng nghe dân nói, vì dân, không để ai ở lại phía sau là phương châm hành động hiệu quả.
Ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 727 về thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương. Lên phường, làm sao để người dân được thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn phải bắt đầu từ việc xây dựng văn minh đô thị.
Đô thị trẻ năng động
Điện Phương, nơi được xem là chiếc nôi khai sinh chữ Quốc ngữ, có Dinh trấn Thanh Chiêm nổi tiếng, nằm trên con đường nối hai di sản văn hóa Hội An - Mỹ Sơn, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch dịch vụ.
Thêm nữa, Điện Phương có các làng nghề truyền thống như làng đúc đồng Phước Kiều, làng bánh tráng - mỳ Quảng Phú Triêm, chạm khắc gỗ nghệ thuật Nguyễn Văn Tiếp, đất nung Lê Đức Hạ, chiếu chẻ Triêm Tây, bê thui Cầu Mống...
Năm 2016, Điện Phương được công nhận xã nông thôn mới, đây là tiền đề để Đảng bộ Điện Phương chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo các tiêu chí để xã lên phường.
Địa phương đã lập quy hoạch, xây dựng các khu dân cư theo kiến trúc đô thị, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng về văn hóa, giao thông, giáo dục; chú trọng quy hoạch khu trung tâm phường, hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, khu đô thị, cây xanh công cộng...
Đồng thời Điện Phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ nhằm tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Trong đề án xây dựng xã lên phường, rất nhiều tiêu chí về hạ tầng, cơ cấu kinh tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa, môi trường… được xem xét và đánh giá rất kỹ.
Trước khi được phê duyệt lên phường, xã cho lấy ý kiến người dân. Người dân mong muốn chất lượng cuộc sống của họ được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn khi còn là xã.
Ông Võ Mễ (thôn Thanh Chiêm 2, Điện Phương) chia sẻ, khi xã lên phường, một số loại phí khác cũng tăng như phí rác thải, học phí nhưng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống so với rất nhiều tiện ích người dân được hưởng thụ, nên ông phấn khởi động viên con cháu tích cực tham gia các phong trào xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Phương quyết tâm xây dựng quê hương trở thành đô thị trẻ, năng động, sáng tạo để người dân được thụ hưởng những thành quả mà chính họ làm ra” - ông Đặng Hữu Tú - Bí thư Đảng ủy phường Điện Phương cho biết.
Ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn tập trung lãnh đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong thời gian qua, gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định của trung ương, của tỉnh và thị ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để củng cố niềm tin của nhân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là sợ dây thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển thị xã giàu đẹp, văn minh.
Đồng thuận chỉnh trang hạ tầng
Cơ sở ép dầu Nguyễn Thị Lạc (thôn Bồng Lai) nằm ngay trên trục chính tuyến đường quốc lộ 1 cũ ngang qua phường Điện Minh.
Theo lời chị Lạc, trước đây mặt đường hai làn xe chạy chung chỉ rộng 12,5m, khi có chủ trương mở rộng đường, mặc dù là cơ sở kinh doanh buôn bán nhưng chị và người dân nơi đây chấp hành di dời tường rào, cổng ngõ để Nhà nước mở rộng.
Nhờ sự đồng thuận của người dân, nay con đường cũ đã được cải tạo, nâng cấp với hai làn xe có dải phân cách trồng hoa, cây cảnh khang trang, dù xe cộ qua lại đông đúc nhưng giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Vui hơn là con đường có mặt tiền đẹp dẫn vào trung tâm thị xã, không còn cảm giác thị trấn nhỏ chật hẹp ngày nào.
Nhận xét về quá trình chỉnh trang đô thị với mô hình vừa kể, ông Phạm Hồng Linh - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận phường Điện Minh cho biết: “Để vận động được nhân dân hai bên tuyến đường này di dời tường rào, cổng ngõ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng gian nan, bởi đất mặt tiền, lâu nay người dân an cư buôn bán, nay phải lùi vào trong, có nhiều nhà diện tích rất nhỏ. Vậy mà khi nghe giải thích, vận động mọi người cũng chấp hành bàn giao mặt bằng, đúng là dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
“Không để ai ở lại phía sau”
Chị Nguyễn Thị Kim Liên - Chi hội trưởng phụ nữ khối phố Thanh Quýt 4 (phường Điện Thắng Trung) kể, trên địa bàn khối phố còn có nhiều chị em phụ nữ khó khăn, mỗi lần khối tổ chức lễ gì muốn đi dự phải thuê áo dài nên các chị ít tham gia.
Hiểu được điều đó, chi hội đã vận động chị em hội viên trong khối ra mắt “Tủ áo dài kết nối yêu thương” với thông điệp “Ai cần đến lấy, ai dư mang cho”.
Từ mô hình này đã tạo nên sự gắn kết giữa các hội viên phụ nữ trong khối, trong xã với nhau, qua đó cũng đã thu hút, tập hợp được hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, gắn kết yêu thương cộng đồng, chung sức xây đắp mối quan hệ giữa hội viên với cán bộ hội cơ sở thêm bền chặt.
Bà Nguyễn Thị Nam Hải - Chủ tịch Hội LHPN Điện Bàn chia sẻ, những năm qua, hội đã phát động nhiều phong trào hướng đến những việc làm mang tính nhân văn với thông điệp “Không để ai ở lại phía sau”, từ mô hình 1.000 áo dài cho phụ nữ nghèo, nuôi heo đất, thu gom rác thải nhựa, tổ phụ nữ xa quê, bữa sáng san sẻ yêu thương…
Qua đó đã tạo nên mối quan hệ ấm áp giữa những người làm công tác hội với từng hội viên cơ sở, mang đến niềm tin và nghị lực để họ vươn lên trong cuộc sống.