Hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ chế phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại
(QNO) - Thăng Bình đang tích cực hỗ trợ người dân được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (gọi tắt Nghị quyết 35).
Động lực đầu tư kinh tế vườn quy mô
Cách đây 2 năm, gia đình ông Võ Tấn Thanh (72 tuổi thôn Quý Xuân xã Bình Quý) đã tận dụng diện tích hơn 7.500m2 để trồng các loại cây ăn quả trong vườn nhà, trong đó chủ lực cây dừa và mãng cầu.
Được địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình ông Thanh đã trồng các loại cây theo mật độ quy định là 20 cây/sào để đủ điều kiện tiếp cận được vốn hỗ trợ sau đầu tư. Hiện nay toàn bộ khu vườn của ông có khoảng 300 cây dừa và 100 cây mãng cầu.
Theo ông Võ Tấn Thanh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm trong nhóm Hội làm vườn của địa phương nên 2 loại cây trồng chủ lực đang phát triển tốt phù hợp trên loại đất cát pha ở địa phương. Trong đó mãng cầu đã cho ra quả vụ đầu tiên.
“Thời gian qua, gia đình tôi được xã Bình Quý và cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn các loại hồ sơ để đáp ứng theo nghị quyết quy định. Đối với nông dân được hỗ trợ ít hay nhiều đều rất quý vì đó là động lực an tâm phát triển, mở rộng quy mô kinh tế vườn” - ông Thanh nói.
[VIDEO] - Mô hình kinh tế vườn của ông Võ Tấn Thanh:
Ông Nguyễn Cao Thị (thôn Quý Phước xã Bình Quý) sau 20 năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, cuối cùng đã chọn quê cha đất tổ để sinh sống. Năm 2016, anh Thị bắt đầu cải tạo khu vườn hơn 1ha khá bài bản để trồng ổi, cau và hoa mai.
“Để đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 53, tôi đã quy hoạch riêng diện tích 2.700m2 đầu tư hệ thống tưới nước tự động, trong đó trồng 116 cây ổi và 275 cây mai con trong chậu, theo tiêu chuẩn hàng cách hàng, cây cách cây. Tôi mong muốn sau khi thẩm định sẽ nhận được nguồn hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết 35”- ông Thị nói.
Hỗ trợ người dân làm thủ tục
Thời gian qua, xã Bình Quý đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết 53. Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Ban Nông nghiệp xã, người dân địa phương xác định đầu tư phát triển kinh tế vườn là mũi nhọn, tuy nhiên, họ lại gặp khó khi thực hiện các thủ tục hồ sơ được hưởng lợi. Do đó, địa phương chủ động phối hợp với cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tận tình hướng dẫn các quy trình, thủ tục liên quan.
Ông Quyền cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một nghị quyết rất đúng đắn để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại hiện nay. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 35 thủ tục, hồ sơ rất nhiều nên một số hộ “ngại” tiếp cận. Hiện nay đối với xã Bình Quý có 10 hồ sơ đã phê duyệt phương án sản xuất và chúng tôi tin rằng người dân sớm được hưởng lợi từ nghị quyết”.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Quyền - Ban Nông nghiệp xã Bình Quý chia sẻ cách hỗ trợ người dân tiếp cận Nghị quyết 35:
Để Nghị quyết 35 đi vào thực tế, khắc phục các khó khăn tại huyện Thăng Bình, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã tham mưu củng cố lại hội đồng thẩm định và nghiệm thu, tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35.
Đến nay, UBND huyện Thăng Bình đã phê duyệt kế hoạch vốn chi tiết triển khai nghị quyết với kinh phí tỉnh phân bổ và quyết định phê duyệt phương án sản xuất – kinh doanh hộ đăng ký trên địa bàn huyện Thăng Bình đợt 1 – năm 2024 cho 12 hộ. Tổng mức dự toán đầu tư 937 triệu đồng, tổng kinh phí dự toán đề nghị nhà nước hỗ trợ theo nghị quyết 35 trên 417,6 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đề nghị: “Chúng tôi mong muốn các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các cơ chế chính sách của ngành nông nghiệp cho người dân nắm và thực hiện. Ngoài ra, cũng kiến nghị UBND huyện ưu tiên kế hoạch đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ vườn, chủ trang trại và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại các địa phương trong và ngoài tỉnh”.