Nông nghiệp Hiệp Đức gặp khó
Vụ đông xuân 2023 - 2024, thiên tai ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; dịch bệnh gây hại trên đàn gia súc khiến nông dân Hiệp Đức gặp khó.
Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn huyện canh tác hơn 1.318ha lúa, gần 115ha bắp và nhiều diện tích cây trồng khác.
Qua thống kê cho thấy, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 60,06 tạ/ha, tăng 6,14% so với kế hoạch đề ra và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa đạt hơn 7.921 tấn, tăng 6% so với kế hoạch và tăng 0,85% so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
Còn đối với cây bắp, năng suất bình quân cả huyện đạt 55,27 tạ/ha, tăng 0,9% so với kế hoạch đề ra và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bắp đạt hơn 633 tấn, tăng 5,5% so với kế hoạch nhưng chỉ bằng 95,67% so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ đông xuân vừa qua năng suất, sản lượng lúa và bắp ở nhiều địa phương của Quảng Nam tăng khá mạnh so với đông xuân 2022 - 2023.
Trong khi đó, mức tăng của huyện Hiệp Đức như đã nêu trên là không đáng kể. Nguyên nhân được xác định là gần cuối vụ nền nhiệt độ cao, lượng mưa bổ sung ít nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng.
Đặc biệt, trận lốc xoáy kèm theo mưa đá bất ngờ xuất hiện vào chiều tối ngày 29/3 khiến 70,3ha lúa đang giai đoạn ngậm sữa - chín sáp, 15,75ha bắp đang thời kỳ trổ cờ - héo râu cùng 3,2ha mía, gần 14ha keo lai bị ngã đổ, hư hại nặng. Ước tính tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi của Hiệp Đức cũng gặp khó khăn do một số loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại trên đàn gia súc.
Đáng kể nhất là trong những tháng đầu năm 2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 5 hộ dân ở 3 thôn, khối phố của 2 xã Quế Thọ, Bình Sơn và thị trấn Tân Bình, phải tiêu hủy bắt buộc 88 con (gồm 3 heo nái, 75 heo thịt, 10 heo con) với trọng lượng hơn 2 tấn hơi…
Theo ông Lê Văn Bảy, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh trên đàn gia súc, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của Hiệp Đức tập trung triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin và duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng.
Đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay huyện đã cơ bản khống chế và dập tắt sự lây lan của mầm bệnh.