Chuyển mình thành phố
Dáng phố hình thành từ việc nâng cấp, mở rộng trục đường chính qua trung tâm các phường nội thị Điện Bàn. Những làng quê trở mình thành phố từ đây.
Diện mạo mới cho đô thị
Cuối tháng 3/2024 dự án nâng cấp mở rộng đường trục chính phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn chính thức khởi công. Dự kiến tháng 8 này, con đường sẽ hoàn thành. Thiết kế thảm bê tông rộng 7,5m, dài hơn 1km, con đường là kết quả rõ nét nhất, định danh đô thị của 3 khối phố Bồng Lai, Khúc Lũy, Đồng Hạnh, sau hơn 1 năm trở thành đô thị.
Ông Nguyễn Thanh, khối phố Đồng Hạnh chia sẻ, nâng cấp mở rộng con đường là minh chứng sống động về sự chuyển mình của địa phương từ làng lên phố. “Trước đây con đường chỉ rộng 2m, nhiều đoạn hẹp xe máy qua lại khó khăn, do đó việc mở rộng con đường này rất ý nghĩa, bà con ai cùng vui mừng phấn khởi”, ông Thanh nói.
Người dân đồng lòng hiến đất mở đường để công trình sớm hoàn thành. Họ cũng tự tháo dỡ vật kiến trúc, tường rào… Riêng khối phố Đồng Hạnh có khoảng 35 hộ dân bị ảnh hưởng đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Sau hơn 1 năm lên phường của Điện Minh, Điện Phương, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam, diện mạo từ làng lên phố đã thấy rõ.
Ông Trần Cảnh Nhật Tân – Phó Chủ tịch UBND phường Điện Minh nói, tận dụng các nguồn lực đầu tư hạ tầng, giao thông luôn được địa phương đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Năm 2023 tuy nguồn thu ngân sách thị xã và tỉnh tụt giảm ảnh hưởng đến một số hạng mục dự án, nhưng địa phương cũng đã tranh thủ các nguồn sự nghiệp của thị xã để đầu tư khoảng 3km đường giao thông nông thôn quy mô nền đường từ 3,5 đến 5,5m bê tông, từng bước hoàn thiện bộ mặt cho phố.
Nâng cấp từ xã lên phường, từ làng lên phố đã mang đến những tác động tích cực với người dân Điện Bàn. Kết cấu hạ tầng giao thông dần đồng bộ, thuận lợi, đô thị được chỉnh trang gọn ghẽ, xinh đẹp. Diện mạo phố phường ngày càng khang trang hơn.
Tìm nguồn lực cho phố
Điện Bàn đặt mục tiêu trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030. Chính vậy, thời gian qua một số dự án hạ tầng đã được đầu tư nhằm hoàn thiện bộ mặt cho phố, nhất là các tuyến đường chính trung tâm kết nối liên vùng tại các phường nội thị mới được công nhận.
Ông Dương Phú Toàn - Chủ tịch UBND phường Điện Phương nhìn nhận, để hoàn thiện hạ tầng đô thị, vấn đề cấp thiết vẫn là hạ tầng giao thông. Dù vậy, do nguồn thu ngân sách ảnh hưởng khiến vốn đầu tư hạ tầng gặp khó.
Từ đầu năm đến nay kinh phí phân bổ đầu tư hạ tầng cho địa phương này khoảng hơn 7 tỷ đồng. Ngoài trục đường chính chạy ngang trụ sở UBND phường Điện Phương, đầu tư nội thị hầu như chưa có gì.
“Hiện tại, Điện Phương cần đầu tư nâng cấp khoảng 10km đường nội thị mới cơ bản đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội sau này”, ông Toàn cho biết.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển, Điện Bàn định hướng trở thành đô thị văn hóa, sinh thái và hiện đại. Để mục tiêu này thành hiện thực, ước tính nguồn lực cần lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, chủ yếu nguồn vốn đầu tư công và nguồn xã hội hóa.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, trong chương trình phát triển đô thị, việc đầu tư hạ tầng vô cùng quan trọng và đã được thị xã đặt ra ngay từ đầu. Tuy nhiên, vài năm gần đây do ảnh hưởng đại dịch và thiếu nguồn kinh phí nên chưa thể triển khai rộng khắp. Đến nay, các dự án phát triển đô thị ngoài nguồn kinh phí của địa phương và tư nhân, mỗi năm vốn ngân sách đầu tư cho các trục chính giao thông nông thôn đô thị khoảng 60 tỷ đồng.
“Danh mục đầu tư công đã có nhưng bố trí vốn phê duyệt thì chưa. Nói chung, ngoài đầu tư trục chính đô thị ở mỗi địa phương (khoảng 2km) việc đầu tư đúng tầm đô thị hiện cũng chưa có gì lớn, bởi vốn ngân sách mới chỉ là mồi kết nối, còn lại các dự án phát triển đô thị do tư nhân mới quan trọng”, ông Úc phân tích.
Tìm lời giải cho bài toán vốn đầu tư hạ tầng đô thị trong giai đoạn hiện nay vẫn nan giải. Các chuyên gia tài chính cho rằng, chính quyền mỗi đô thị phải tìm cách liên kết tạo thu ngân sách với các hoạt động và tăng trưởng đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn...