Thủy sản

Quảng Nam chung tay gỡ "thẻ vàng" thủy sản

VIỆT NGUYỄN 03/06/2024 09:32

Quản lý, kiểm soát chặt tàu cá; chú trọng truy xuất nguồn gốc hải sản là các giải pháp cấp bách để Quảng Nam cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

len-ca.jpg
Trong tháng 5 có 309 lượt tàu cá cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản sau khai thác. Ảnh: Q.VIỆT

Kiểm soát chặt tàu cá

Thống kê từ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT), ở cảng cá Tam Quang (Núi Thành) trong tháng 5 có 309 lượt tàu cá cập cảng, 360 lượt tàu cá rời cảng, nâng lũy kế từ đầu năm đến nay, có tổng cộng có 1.729 lượt tàu cá cập cảng và 1.988 lượt tàu cá rời cảng.

Ông Phan Đình Châu - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, khi chủ tàu cá làm thủ tục rời cảng hay cập cảng, ngành chức năng đối chiếu thực tế lao động trên tàu có đúng với khai báo trong danh bạ thuyền viên; chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng có đầy đủ theo quy định. Với tàu cập cảng sẽ kiểm tra kỹ niêm phong, kẹp chì của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) để đảm bảo an toàn, bảo mật.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, ngành thủy sản phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, chính quyền các xã có nghề cá tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (khai thác IUU).

Đến nay, thuyền trưởng tàu cá Quảng Nam đều thông báo trước 1 giờ khi cập cảng. Văn phòng Kiểm soát nghề cá khi thu nhận nhật ký khai thác của ngư dân đã kiểm tra đối chiếu đầy đủ các thông tin dữ liệu đảm bảo nội dung nhật ký khai thác khoa học, trung thực. Quảng Nam cũng thực hiện nghiêm xử phạt nếu tàu cá cập cảng lên cá mà không có nhật ký khai thác hoặc nhật ký khai thác ghi chép không đúng, không đủ theo quy định.

Kết quả đến nay là đội tàu khai thác hải sản xa bờ tại vùng khơi của tỉnh dần đi vào nền nếp. Các cơ quán chức năng tiếp tục quản lý chặt đội tàu khai thác hải sản ở vùng lộng và vùng bờ, nhất là các tàu chưa thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác hải sản.

Chuyến biển mới đây, tàu lưới chụp QNa-91679 của ngư dân Phan Văn Thành (xã Tam Giang, Núi Thành) đánh bắt được hơn 15 tấn mực khô đem lại thu nhập khá.

Ông Thành nói: “Tàu cá của tôi thường xuyên hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa. Ngoài việc lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT tàu cá 24/24 giờ, tôi đảm bảo đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác hải sản cùng các loại giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm”.

Ông Phan Trinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang cho biết, trên địa bàn có gần 50 tàu cá sản xuất xa bờ với các nghề lưới chụp, câu mực khơi, lưới vây.

Qua vận động, các chủ tàu đã đồng thuận ký cam kết không đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Ngư dân ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và TP. Hội An đều cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước khác.

Truy xuất nguồn gốc hải sản

Ủy ban châu Âu đặt ra yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc hải sản để xem xét gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Tại Quảng Nam, có thực trạng là nhiều năm qua, ngư dân ghi nhật ký khai thác hải sản không đúng với đối chiếu qua GSHT tàu cá của ngành chức năng.

Do vậy, không thể xác nhận nguyên liệu hải sản cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đó chính là ách tắc truy xuất nguồn gốc hải sản trên địa bàn tỉnh.

truy-xuat.jpg
Truy xuất nguồn gốc hải sản tại Quảng Nam có nhiều tiến triển. Ảnh: Q.VIỆT

Trước bất cập đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã giao các lực lượng quản lý cảng cá, thủy sản, biên phòng phối hợp thực hiện kỹ các công đoạn rà soát hồ sơ kiểm soát tàu cá cập, rời cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng; xác nhận nguồn gốc, truy xuất nguyên liệu hải sản sau khai thác.

Đến nay, Văn phòng Kiểm soát nghề cá của tỉnh đã rà soát, cập nhật bổ sung toàn bộ hồ sơ liên quan đến kiểm soát tàu cá tại cảng, giám sát sản lượng hải sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác.

Nhờ ghi chép nhật ký khai thác hải bằng phần mềm điện tử nhanh, gọn, ngư dân đã đáp ứng được yêu cầu nhật ký khai thác hải sản đúng, đầy đủ thông tin nghề khai thác; phân loài hải sản cụ thể; vị trí mẻ lưới phù hợp với dữ liệu GSHT.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, nhật ký thu nộp, thông tin nhật ký thu mua, chuyển tải đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Sổ sách ghi chép thông tin tàu cá khi ngư dân thông báo ra vào cảng khớp với biên bản kiểm tra, giám sát tàu cá.

“Công tác xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác thực hiện theo quy định. Nội dung loài, sản lượng trong mẻ lưới của ngư dân phù hợp với thực tiễn sản xuất. Ngành chức năng lưu trữ hồ sơ sổ sách bằng bản giấy và trên phần mềm điện tử đảm bảo khoa học, truy xuất được nguồn gốc, kịp thời phục vụ công tác kiểm tra theo yêu cầu” - ông Ngô Tấn nói.

VIỆT NGUYỄN