An ninh trật tự

Quảng Nam: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy nổ

L.VŨ 04/06/2024 14:33

(QNO) - Ngày 3/6, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Lương Nguyễn Minh Triết ký ban hành Chỉ thị số 47 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh.

chay.jpg
Vụ cháy tại xưởng ghế nệm ô tô ở thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên (Thăng Bình) vào sáng 22/4/2024 gây thiệt hại nhiều tài sản có giá trị. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện yêu cầu nhiệm vụ PCCC và CNCH của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương còn biểu hiện chủ quan, lơ là.

Tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và nhiều nguy cơ, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Và thực tế tại Quảng Nam đã xảy ra một số vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm; trong khi đó việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH còn hạn chế...

Đơn cử, chỉ trong khoảng thời gian cuối tháng 4 đến nay trên địa bàn Quảng Nam đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại không nhỏ tài sản người dân. Trong đó, chỉ riêng 10 ngày cuối tháng 4 trên địa bàn tỉnh xảy ra đến 3 vụ cháy.

Trước thực trạng đó, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC và CNCH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCC và CNCH.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần xác định PCCC và CNCH là nhiệm vụ cần thiết, thường xuyên, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; lấy người dân làm trung tâm và là chủ thể, nguồn lực và động lực của công tác PCCC.

chay-2.jpg
Hiện trường vụ cháy xảy ra vào ngày 27/4/2024 tại khu vực chứa dăm gỗ của hộ gia đình ông Đoàn Đình Dương, tổ dân phố Trung Hạ, thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn. Ảnh: T.P

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH, nhất là trong mùa nắng nóng.

Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước hết về việc bảo đảm an toàn cháy nổ và CNCH trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; chỉ đạo khắc phục dứt điểm những vấn đề hạn chế, thiếu sót; xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các địa phương, lực lượng chức năng rà soát giải quyết vướng mắc, bất cập về hệ thống giao thông, nguồn nước tại các khu đô thị, khu dân cư chưa đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy và CNCH; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng đối với công trình nhà ở cao tầng, chợ, nhà xưởng, quán bar, vũ trường, karaoke... kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC.

chay-3.jpg
Lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN - Công an tỉnh Quảng Nam xử lý vụ hỏa hoạn xảy ra tại cửa hàng điện tử - điện lạnh ở tổ dân phố Lãnh Thượng 2, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn. Ảnh: DUY THÁI

Để nâng cao hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư, trang bị phương tiện cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH; chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu chữa cháy và CNCH.

Đối với địa phương cơ sở, chú trọng củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách, phương tiện, thiết bị chữa cháy phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC tại chỗ.

Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng về PCCC, thoát nạn trong toàn dân; lồng ghép phù hợp kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục; tổ chức các trung tâm giáo dục cộng đồng tuyên truyền, trải nghiệm, thực hiện chữa cháy và CNCH cho người dân, học sinh, sinh viên, ở các khu dân cư...

Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC và CNCH; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; phát huy rộng rãi phong trào “nhà tôi có bình chừa cháy”...; kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH…

435256798_437131392006042_3399515834078748160_n.jpeg
Quảng Nam vừa tổ chức Hội thi nghiệp vụ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” là dịp để người dân thực hành cứu nạn trong tình huống cháy. Ảnh: T.G

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Nam lãnh đạo, chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp bảo đảm PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình cháy, nổ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các cơ quan, địa phương; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng…

L.VŨ