Chọn giải pháp nền móng giảm nghèo cho vùng Tây xứ Quảng
Hướng đến thực chất, tìm kiếm và chọn lựa giải pháp nền móng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là quan điểm được các thành viên Ban chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây nêu ra.
Phát triển còn chậm
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, tình hình kinh tế - xã hội miền núi đạt được một số kết quả nhất định, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tổng thu ngân sách Nhà nước của 9 huyện miền núi đến cuối năm 2023 khoảng 1.802 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,13 triệu đồng/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2020.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,41%, tổng số xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) 34/93 xã (toàn tỉnh có 123/194 xã), có 98,81% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,91%...
Quảng Nam cơ bản bảo vệ được rừng tự nhiên hiện có, đảm bảo môi trường sinh thái, văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển, củng cố và ổn định vững chắc an ninh chính trị trong vùng.
Các địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều cố gắng phát huy tính tự lực tự cường phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, huyện đề ra.
“Ngoài việc tiếp tục triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, khu vực miền núi, Trung ương đã bổ sung thêm Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng nguồn vốn các huyện miền núi thực hiện các Chương trình MTQG năm 2023 đạt hơn 2.546 tỷ đồng” - ông Thử cho hay.
Có những khởi sắc nhất định ở vùng Tây xứ Quảng, song theo đánh giá, kinh tế - xã hội ở khu vực này phát triển vẫn còn chậm. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế là một trong những yếu tố khiến đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn.
Đây lại là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Nhu cầu đầu tư hạ tầng vốn đã thiếu, lại bị tác động bởi thiên tai, khó đáp ứng được kỳ vọng phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.
Bên cạnh đó, tính đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế - xã hội miền núi hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Đội ngũ cơ sở là yếu tố nòng cốt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, vùng Tây vẫn còn khoảng 40 thôn khó có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo nội dung của Nghị quyết.
“Chúng ta đang hướng đến vấn đề thực chất, không thể làm ồ ạt, vì làm ồ ạt sẽ trả giá. Nguồn lực đầu tư cho NTM của giai đoạn sau này giảm rất nhiều, trong khi các địa bàn còn lại đều rất khó. Cộng thêm bộ tiêu chí mới có yêu cầu rất cao, nhất là về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo.
Các chính sách cần hướng đến giải quyết vấn đề căn cơ, tạo sinh kế bền vững, đồng thời thay đổi ý thức trông chờ của người dân. Ngoài ra, một số đề án đã có “khuôn”, nhưng nguồn lực đang “báo động đỏ”, không thể ban hành trong giai đoạn này” - ông Trần Anh Tuấn phân tích.
Đề xuất hướng đi trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng quan trọng phải đầu tư cho hạ tầng, tạo nền móng mở đường mọi vấn đề. Trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ ở xã phải dẫn dắt, tiên phong đi đầu, có mô hình mẫu trong phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa.
“Nếu có khảo sát thực tế, nhiều nơi vườn trống, không có cây gì giải quyết cái ăn hàng ngày, mô hình mẫu đâu để người dân làm theo? Đội ngũ cơ sở chưa làm gương, làm khuôn, người bên cạnh thấy gì để học? Phát triển vùng Tây, cần chuyển đổi nhận thức, tập quán, người dân phải thấy, nghĩ và làm, quyết tâm, Nhà nước chỉ là bà đỡ” - ông Trần Anh Tuấn nói.
Trong chuyến khảo sát thực tế mới đây, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhận định, miền núi có đất rừng, chính sách không thiếu, nguồn lực từ các chương trình MTQG khá lớn, đây sẽ là đòn bẩy quan trọng.
Đặc biệt, phải thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức nỗ lực vươn lên của người dân. Phải phát huy được sự sâu sát, chỉ đạo và có những giải pháp thực tế, để bản thân người dân, đội ngũ cơ sở cùng cố gắng. Đó mới là yếu tố quyết liệt, kích hoạt sự tự giác của cán bộ cơ sở, kịp thời định hướng để xây dựng hình mẫu.
“Thời gian tới, các địa phương cần tập trung xây dựng một vài hình mẫu hiệu quả, phù hợp thực tiễn để người dân thấy, tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng.
Địa phương cũng nên nghiên cứu có chính sách để hỗ trợ để người dân không thấy thiệt thòi khi lên NTM và thoát nghèo. Nếu không làm thế không thể động viên về mặt tâm lý, tạo được nỗ lực cá nhân, tạo từng chuyển biến” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phân tích.