Lâm nghiệp

Cần giải pháp kỹ thuật trong di thực sâm Ngọc Linh

LÊ MỸ 06/06/2024 09:22

Do biến đổi khí hậu, biên độ nhiệt tăng cao dẫn đến việc di thực sâm từ vùng núi Ngọc Linh xuống các vành đai rừng thấp hơn đang gặp nhiều khó khăn.

di-thuc-2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khảo sát việc bảo tồn nguồn gen gốc tại Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam). Ảnh: H.Q

Cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể

Hiện nay vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My đã mở rộng ra 8/10 xã. Thôn 1, xã Trà Vinh có độ cao dưới 1.500m so với mực nước biển là khu vực mới nhất mà 1.000 cây sâm giống Ngọc Linh được di thực về trồng thử nghiệm.

Ông Nguyễn Tấn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết, qua đánh giá ban đầu, cây sâm thích nghi với thổ nhưỡng, môi trường, khí hậu và có sự phát triển. Người dân mong muốn UBND huyện Nam Trà My sớm có đánh giá cụ thể về kỹ thuật, xác định vùng trồng để sớm nhân rộng.

“Không nên giữ tư tưởng “càng ít thì càng quý” mà ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô vùng trồng. Có thể việc di thực từ vùng núi Ngọc Linh ra các xã, huyện lân cận thì lượng saponine có thể thấp hơn, nhưng sâm chế biến ra cũng có nhiều loại và loại nào cũng có giá trị riêng của nó. Khi có trữ lượng lớn, vùng trồng đảm bảo thì mới đủ sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư công nghệ, sản xuất các dòng sản phẩm chế biến sâu và nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh của Quảng Nam” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, việc trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh ở khu vực rừng có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển diễn ra thuận lợi. Song, việc di thực xuống vành đai rừng thấp hơn sẽ cần có nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về kỹ thuật.

Bởi cây sâm trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm cơ bản thích nghi với môi trường rừng, nhưng có dấu hiệu chậm phát triển trong những năm về sau. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng cực đoan như sương muối, mưa đá xảy ra ở vùng núi đã ảnh hưởng đến phát triển của cây sâm.

Ngoài địa bàn Nam Trà My, trong 2 năm 2021 - 2022, cây sâm Ngọc Linh còn được di thực trồng thử nghiệm tại khu vực miền núi các huyện lân cận có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng.

Theo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, đã có 8.000 cây sâm giống đã được di thực ra 6 huyện, bao gồm Bắc Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước.

di-thuc-sam-1.jpg
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến công tác di thực sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.Q

Đảm bảo công tác mở rộng vùng trồng

Ông Trương Công Quang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, việc phát triển cây sâm phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố là ẩm độ không khí, ẩm độ đất và biên độ nhiệt.

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao bất thường, nhất giai đoạn đầu năm thường có nắng nóng kéo dài, đẩy độ ẩm không khí xuống thấp. Khoảng thời gian này lại trùng với giai đoạn phát triển mầm, nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây sâm trong năm.

di-thuc-3.jpg
Việc di thực sâm từ vùng núi Ngọc Linh xuống vành đai rừng có độ cao dưới 1.500m so với mực nước biển gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.Q

Theo ông Quang, theo đặc tính tự nhiên, sâm Ngọc Linh sẽ tự rụng lá khi cây bắt đầu vào thời kỳ ngủ đông hàng năm, song qua ghi nhận thực tế ở các điểm di thực, tỷ lệ cây tái sinh, mọc lại lá mới rất thấp.

Cạnh đó, bộ rễ cây sâm cũng không có sự phát triển nhiều và một thời gian sau có hiện tượng thối gốc. Điều này khẳng định cây sâm phát triển rất yếu.

“Cùng với yếu tố thời tiết, thì tác động con người, hạ tầng, xe cộ… ngày càng nhiều cũng tác động đến sinh thái môi trường rừng. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các địa phương, đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi và sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết về công tác di thực vào cuối năm 2024 này để làm cơ sở khoa học báo cáo UBND tỉnh” - ông Quang đề xuất.

Trong buổi khảo sát tại huyện Nam Trà My về việc phát triển cây sâm Ngọc Linh mới đây, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, cùng với bảo tồn tốt nguồn gen giống gốc thì công tác di thực đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng vùng trồng. Ngành liên quan của tỉnh phải tập trung nghiên cứu giải pháp kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu.

LÊ MỸ