Người Quảng Nam

Mang làng mình đi khắp nẻo

LƯU ĐÌNH LONG 06/06/2024 13:26

(VHQN) - Những cuộc hội họp đồng hương giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, mọi người thỏa sức nói tiếng quê. “Mi Dộ ni lồm en ra reng?” (Mi dạo ni làm ăn ra răng?), đồng hương hỏi nhau. Hỏi để chờ đáp một tràng tiếng Quảng.

bqn.1cdn.vn-2024-05-15-_anh-honvung.jpg
Đập nước dưới chân hòn Vung núi Chúa (xã Sơn Viên, Nông Sơn). Ảnh: L.Đ.L

“Anh quê ở đâu?” - câu hỏi quen thuộc tôi gặp trong những lần tiếp xúc với nhân vật trong bài phỏng vấn hoặc một đối tác nào đó. Tất nhiên, tôi sẽ trả lời bằng giọng Quảng rặt, “Anh người “Quảng Nôm’”.

Và tôi sẽ cắt ngang cuộc trò chuyện để giới thiệu về quê mình. Đó là một thung lũng, xung quanh là núi, có đồng có sông, bình yên. “Phía sau nhà là hòn Vung - núi Chúa, đẹp cực kỳ, ngọn núi ni có giai thoại về ông Cao Biền đóng ấn lên tảng đá dựng đứng và cả vườn trái cây tự nhiên trên đỉnh”.

Hình như tôi gây nhiều tò mò cho bạn về quê mình. Có lần Mễ Thuận - thời làm cho một tờ báo chuyên về du lịch ở Sài Gòn đã lặn lội về quê tôi - thôn Trung Yên, xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn và có bài viết về giai thoại này. Bạn tả, hòn Vung - núi Chúa mờ ảo trong sương sớm, nắng hé đầu ngày, mây còn vương đâu đó như một dải lụa quấn quanh đỉnh núi khiến vùng quê thêm huyền ảo.

dsc04858_phuong-thao.jpg
Cảnh sắc Nông Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhiều người đến Nông Sơn thích đèo Le uốn lượn, con đèo đi vào “ca dao” tự chế của người thầy từ Thăng Bình lên ngôi trường THPT duy nhất ở đây công tác, đọc lên ai cũng phì cười: “Bước tới đèo Le, lưỡi cũng le/ Chân tay bủn rủn mặt xanh lè”.

Giọng Quảng đặc trưng, khó nghe, nhưng người quê nghe giọng Quảng giữa Sài Gòn là ngày vui hội họp. Xóm 1 thôn Trung Yên của tôi cũng có nhóm anh chị em thường gặp nhau ở Thủ Đức vào cuối tháng.

Bữa người chị lớn hơn vài tuổi ở Tân Bình nhắn: “Em rảnh cuối tuần lên chị chơi, mấy anh chị em xóm mình họp đồng hương, ăn mỳ Quảng”. Tôi dạ. Rồi ghé chợ Bà Hoa để mua vài món Quảng, nghe giọng Quảng. Nhớ quê cứ lên chợ Bà Hoa là sẽ thấy như mình được đi chợ quê, không thiếu món chi, từ mắm cái đến bánh thuẫn, bánh tổ, bánh tráng, củ nén, nghệ tươi…

Người Quảng vẫn luôn kết nối tốt trong hành trình tha hương. Có lẽ, vì trong mỗi người Quảng đều mang chất quê hồn hậu, đều giữ được giọng quê giữa bao bon chen xa xứ. “Thì cứ nói giọng quê, kể chuyện quê, giới thiệu về làng mình”, một người anh nhà thơ nổi tiếng - Lê Minh Quốc - đã nói như thế khi anh vẫn giữ được chất giọng Quảng - Đà mộc mạc, chân thành.

Làng Trung Yên, Bình Yên, Tân Phong, Phước Bình, Trung Nam, Dùi Chiêng, Tý, Sé… Những cái tên thật đẹp đã được những người con Nông Sơn mang theo trong dặm dài xa quê. Chính những người quê trong sự nối kết hiện đại đã tạo nên những nhóm chát, nhóm sẻ chia trên mạng để sẻ chia, giúp đỡ thực ngoài đời.

Mấy năm trước, trưởng thôn Trung Yên cùng vài anh chị cán bộ xã Sơn Viên vào gặp “bà con” đồng hương để kết nối. Rồi mọi người cùng nhau góp chút tài lực để xây dựng lại khu miếu âm linh - nơi người làng mỗi năm tụ về dịp cuối năm để cúng thần làng cùng những vong linh vô danh không người chăm sóc. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người khai làng lập xóm được khơi lên cho những người con đi xa hướng về.

Hội họp đồng hương, nhắc về quê nhà cũng là cách giáo dục con cái - thế hệ được sinh ra bởi người làng quê xứ Quảng nhớ về nguyên quán - nơi chôn nhau cắt rốn của ba mẹ mình, để dẫu có lớn lên ở Sài Gòn hay Luân Đôn, New York..., trở thành công dân toàn cầu thì các con các cháu vẫn luôn tự hào về
xứ Quảng của ông cha…

LƯU ĐÌNH LONG