An ninh trật tự

Đưa pháp luật đến với công nhân

MỸ LINH 06/06/2024 17:58

(QNO) - Nhiều nội dung, kiến thức quy định pháp luật đã được Công an TP.Tam Kỳ giới thiệu, tuyên truyền tại Khu công nghiệp Tam Thăng, nhằm giúp công nhân và người lao động chủ động phòng ngừa tội phạm, phòng cháy chữa cháy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

20230111_163728.jpg
Khu công nghiệp Tam Thăng có số lượng công nhân lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm. Ảnh: M.L

Khi công nhân là nạn nhân

Từng là nạn nhân bị lừa đảo qua mạng nên chị Bùi Thị Ngọc Hướng (24 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tam Thăng) rất quan tâm đến buổi tuyên truyền pháp luật của Công an TP.Tam Kỳ.

Ngọc Hướng kể, hơn 1 năm trước, khi làm công nhân, chị muốn có thêm thu nhập, nghe lời giới thiệu của bạn tham gia làm cộng tác viên cho một trang mạng. “Để nhận được tiền, em phải mua sản phẩm, tuy nhiên sau khi chuyển tiền thì không được sản phẩm, cũng không nhận nhiệm vụ nào cả. Lúc đấy em mới biết là mình đã bị lừa đảo. Em rất buồn vì mất gần 5 triệu đồng là số tiền lớn đối với một công nhân như em” - Hướng tâm sự.

Công nhân, người dân khu công nghiệp Tam Thăng đọc tời
Công nhân, người dân sống gần Khu công nghiệp Tam Thăng đọc tờ rơi tuyên truyền pháp luật của Công an TP.Tam Kỳ. Ảnh: M.L

Tương tự, chị Huỳnh Thị Liên (30 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tam Thăng) cũng là nạn nhân khi làm cộng tác viên online. “Tôi thấy công việc đơn giản, ban đầu rất dễ lấy tiền, chỉ cần “like”, “share” đường link là có tiền nên ham lắm, cứ nộp tiền vào để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo. Tôi bị lừa hơn 3 triệu đồng, số tiền còn nhỏ bé so với chị bạn đã vay nóng và mất hơn 200 triệu đồng” - chị Liên kể.

Theo chị Liên, những thông tin tuyên truyền về cảnh báo lừa đảo qua mạng xã hội là rất hữu ích đối với công nhân. Các chị em trình độ hiểu biết còn hạn chế, nhiều chị là người đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng lừa đảo nhắm vào nhu cầu tìm kiếm việc làm nên dùng nhiều cách để lừa.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-trungtruc-2022-03-12-_hoa-hong.jpg
Nhiều công nhân trở thành nạn nhân của thủ đoạn tuyển cộng tác viên làm việc online. Ảnh: internet

Theo Thiếu tá Trần Đăng Dương - báo cáo viên Công an TP.Tam Kỳ, hiện nay tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn rất tinh vi, số tiền của người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt ngày càng nhiều. Theo thống kê của Công an thành phố, năm 2021, địa bàn xảy ra 27 vụ gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; năm 2022 với 42 vụ, thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng; năm 2023 xảy ra 41 vụ gây thiệt hại hơn 3 tỷ. 5 tháng đầu năm 2024 xảy ra 21 vụ.

“Những vụ việc lừa đảo đã xảy ra mà công nhân là nạn nhân. Thủ đoạn mà tội phạm sử dụng là tuyển cộng tác viên online, vay tiền qua các app trên mạng, hack tài khoản facebook, zalo để mượn tiền, dẫn dụ click vào đường link lạ, giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... Gần đây thì có thêm hình thức mời tham gia các app “học kỳ quân đội”, “khóa tu mùa hè”, “giải chạy marathon”, giúp thu hồi tiền lừa đảo và bị lừa lần hai… Có hàng trăm thủ đoạn, các đối tượng thay đổi liên tục, người dân mất cảnh giác là sẽ rơi vào bẫy của tội phạm ngay” - anh Dương nói.

334993402_604113604477803_5108620623458677352_n.jpg
Người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: Công an TP.Tam Kỳ

Để phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng, Công an TP.Tam Kỳ đã phát hành các tờ rơi cảnh báo thủ đoạn đến người dân, công nhân. Trong đó, cảnh báo người dân phải sử dụng mạng an toàn, nhất là công nhân, đối tượng tội phạm luôn hướng đến.

Để ngăn ngừa tội phạm, theo Thiếu tá Trần Đăng Dương, người dân không trả lời, nói chuyện điện thoại, kết bạn với người chưa rõ lai lịch; không đăng nhập vào đường link, web không tin cậy khi tham gia vào trò chơi điện tử, sàn giao dịch, kinh doanh online. Không chuyển tiền phí khi vay tiền qua các app, không cung cấp mật khẩu, OTP. Không cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác…

Phòng ngừa cháy nổ

Hiện nay, quanh các khu công nghiệp có nhiều nhà trọ cho công nhân thuê ở với cơ sở vật chất cũ kỹ, phòng ốc nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Do vậy, Công an thành phố tập trung tuyên truyền cho chủ trọ và công nhân nhằm nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, sử dụng điện, gas an toàn và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.

dscf4396.jpg
Công an TP.Tam Kỳ hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy mini. Ảnh: M.L

Tham gia buổi tuyên truyền, ông Nguyễn Minh Thành - chủ nhà trọ tại thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) chăm chú lắng nghe. Ông Thành cho biết, hiện nhà ông có một dãy trọ cho công nhân tại Khu công nghiệp Tam Thăng thuê ở. Phòng ốc nhỏ hẹp nên việc phòng cháy chữa cháy luôn được ông quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.

“Tôi thấy việc tuyên truyền trực tiếp rất hữu ích, người dân có thêm nhiều thông tin, kiến thức về phòng chống cháy nổ để phòng ngừa. Sau buổi tuyên truyền này, tôi yêu cầu các thành viên trong gia đình và người ở trọ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng gas, điện, sắp xếp vật dụng ngăn nắp, tránh xa nguồn điện để phòng ngừa cháy nổ có thể xảy ra” - ông Thành nói.

Qua buổi tuyên truyền của Công an thành phố, các chủ nhà trọ, công nhân, người lao động được trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao cảnh giác bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ cháy nổ và ngăn ngừa tội phạm trộm cắp, lừa đảo qua mạng.

dscf4510.jpg
Công an thành phố và Thành đoàn Tam Kỳ trao tặng nhiều bình chữa cháy cho chủ nhà trọ và công nhân Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: M.L

Thượng tá Nguyễn Thành Vân - Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay tình hình tội phạm diễn biến khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là tội phạm "tín dụng đen", tội phạm trên không gian mạng. Lực lượng chức năng tích cực đấu tranh, phòng chống, tuy nhiên công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý, thu hồi tài sản rất khó khăn, người dân cần đề cao cảnh giác.

“Người dân, công nhân cần nêu cao tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm" - ông Vân nói.

MỸ LINH