Mặt trận Tam Kỳ với dấu ấn phản biện xã hội
Lựa chọn những vấn đề nóng, sát sườn với người dân để tổ chức phản biện xã hội, Mặt trận TP.Tam Kỳ đã để lại không ít dấu ấn, góp phần cùng cấp ủy đảng, chính quyền hoạch định các chủ trương, chính sách hợp lý, khả thi và hiệu quả.
Nhiều ý kiến bổ ích
Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức hội nghị góp ý, phản biện dự thảo quyết định bãi bỏ các quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 trên địa bàn TP.Tam Kỳ.
Đây là vấn đề nóng của địa phương nên thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu các cơ quan Mặt trận, đoàn thể từ thành phố đến các xã, phường và đặc biệt là người dân đang sinh sống ở địa điểm đồ án quy hoạch dự kiến bãi bỏ.
Trước đó, Phòng Quản lý đô thị tham mưu thành phố bãi bỏ 15 đồ án quy hoạch không còn khả thi, bao gồm 6 đồ án theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, 3 của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) và 6 của UBND TP.Tam Kỳ.
Sáng nay 7/6, diễn ra Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Theo báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố, nhiệm kỳ 2019 - 2024, 5 năm qua đã chủ trì tổ chức 181 cuộc giám sát chuyên đề; 73 hội nghị “đối thoại trực tiếp” giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Đồng thời, phối hợp vận động 1.800 hộ dân chấp hành chủ trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; vận động nhân dân hiến gần 46.800m2 đất và vật kiến trúc, cây cối để thực hiện các dự án với tổng trị giá khoảng 62 tỷ đồng.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình bãi bỏ nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý; tạo điều kiện để địa phương từng bước thực hiện đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư và chỉnh trang đô thị; đảm bảo cho người dân thực hiện được các quyền, lợi ích chính đáng về đất đai, xây dựng theo đúng quy định hiện hành.
Không dừng lại ở đó, bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng ban Tư vấn kinh tế văn hóa Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho rằng, hệ lụy của các đồ án quy hoạch treo đối với người dân quá lớn, nên ngoài 15 đồ án dự kiến bãi bỏ cần sớm giải quyết, thành phố nên rà soát các đồ án còn lại trên địa bàn để có hướng xử lý.
Cũng trong năm 2023, một nội dung lần đầu tiên được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức hội nghị phản biện, đó là dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện kế hoạch, nguồn vốn đầu tư huy động giảm hơn 860 tỷ đồng so với kế hoạch khiến UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; trong đó giảm kế hoạch vốn 474 tỷ đồng với 64 danh mục đầu tư bị cắt giảm; ngược lại, bổ sung 16 danh mục dự án.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã phân tích, đánh giá, kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét làm rõ nguyên nhân, tính hợp lý, hiệu quả đối với các dự án bị cắt, danh mục bổ sung nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển của địa phương.
Chọn lựa vấn đề Trọng tâm, trọng điểm
Chia sẻ về việc tổ chức hội nghị góp ý, phản biện quyết định bãi bỏ các đồ án quy hoạch, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ nói công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư thời gian qua có những bất cập.
Có dự án kéo dài hàng chục năm gây khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, dẫn đến khiếu nại kéo dài. Vì vậy, hội nghị phản biện nhằm góp phần tạo sự thống nhất trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, từng bước thực hiện đầu tư chỉnh trang đô thị; đồng thời, đảm bảo cho người dân thực hiện được các quyền, lợi ích chính đáng.
“Lựa chọn những vấn đề người dân quan tâm, sát sườn với đời sống xã hội để tổ chức phản biện, góp phần đưa tiếng nói của người dân đến chính quyền. Khi tổ chức phản biện dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, Mặt trận TP.Tam Kỳ mong muốn gắn với việc giải quyết kiến nghị của cử tri, chẳng hạn vì sao những công trình, dự án cử tri phản ánh nhưng không có trong danh mục đầu tư” - ông Ba phân tích.
Theo đánh giá, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Các nội dung phản biện xã hội được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng địa phương, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.
Hoạt động phản biện xã hội được MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở chủ động lựa chọn, đề nghị cấp ủy, HĐND, UBND cùng cấp cung cấp dự thảo các văn bản, đề án, dự án để tổ chức phản biện theo quy định của pháp luật. Mặt trận TP.Tam Kỳ có ban tư vấn, đội ngũ chuyên gia am hiểu nhiều lĩnh vực để tham gia góp ý, phản biện có chất lượng.
“Trong nhiệm kỳ qua, cấp thành phố tổ chức phản biện 9 cuộc và cấp xã, phường phản biện 55 cuộc. Thông qua hoạt động phản biện xã hội, ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, góp phần đảm bảo sự cần thiết, hợp lý, khả thi và hiệu quả của các chủ trương, chính sách, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân” - ông Ba chia sẻ.