Quy hoạch - Đầu tư

Dự án “Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam”:Kết thúc dang dở

TRỊNH DŨNG 07/06/2024 10:00

Sau 13 năm, kể từ ngày khoản vay được duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã cho gia hạn thời gian thực hiện đến 3 lần, nhưng Dự án “Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam” vẫn không thể hoàn thành. Quảng Nam buộc phải xin kết thúc dự án.

que-loc-1.jpg
Trạm y tế Quế Lộc (Nông Sơn) được nâng cấp, sửa chữa thuộc hợp phần xây lắp của Dự án "Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam" đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Chỉ mới hoàn thành việc xây lắp

Dự án “Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam” khởi sự từ một biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ KH&ĐT (thay mặt Chính phủ Việt Nam) và Đại sứ quán Italia (thay mặt Chính phủ Italia) được sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Italia.

MOU nói đến việc cấp một khoản vay ưu đãi cho chương trình cải thiện dịch vụ y tế tại một số khu vực chọn lọc ở miền Trung Việt Nam và Trường Đại học Y dược Huế.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 9/12/2010 (số 2243/TTg - QHQT). UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư ngày 11/12/2012 (số 4073/QĐ - UBND) và 3 lần điều chỉnh, bổ sung (2015, 2018 và 2020). Tổng mức đầu tư dự án hơn 107,1 tỷ đồng (vốn ODA của Chính phủ Italia hơn 3 triệu EURO, vốn đối ứng của địa phương hơn 26,2 tỷ đồng).

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hệ thống y tế Quảng Nam từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống...

Thế nhưng hơn 13 năm đầu tư, dự án mới chỉ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng hợp phần xây lắp vào năm 2020. Chủ yếu xây mới, cải tạo một số hạng mục xuống cấp của các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn Hiệp Đức và Nông Sơn.

Còn hợp phần mua sắm trang thiết bị hơn 2,25 triệu UERO chỉ mới “chạm” ở bước triển khai sau báo cáo khả thi được duyệt, chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, thực hiện mua sắm, lắp đặt trang thiết bị.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, hợp phần trang thiết bị y tế đầu tư cho các đơn vị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Y tế Nông Sơn, Trung tâm Y tế Hiệp Đức, Trung tâm Cấp cứu 115) đã hết thời gian thực hiện dự án.

Không thể tiếp tục triển khai thực hiện theo dự án được duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất cắt giảm hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế và kết thúc dự án. Quảng Nam sẽ đầu tư phần trang thiết bị y tế bị cắt giảm bằng dự án đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước để kịp thời phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các đơn vị thụ hưởng.

Không ít câu hỏi đã được đặt ra: Tại sao sau 13 năm, kể từ ngày khoản vay được duyệt, dự án vẫn chưa hoàn thành? Vì sao thời gian quá dài, hợp phần mua sắm trang thiết bị với giá trị đầu tư lớn (vốn ODA hơn 2,25 triệu EURO) lại không thể triển khai, gặp quá nhiều vướng mắc không khả thi?

Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói, hiệu quả đầu tư mới là việc chính yếu của một dự án. Xây lắp xong mà không có thiết bị thì làm được gì? Chủ đầu tư đã làm tròn trách nhiệm hay chưa? Ngân sách địa phương ngày càng thiếu hụt thì bao giờ dự án có thể hoàn thiện?

benh-vien-da-khoa-2.jpg
Hạng mục trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam thuộc Dự án "Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam" vẫn chưa thể thực hiện được.

Chờ các thủ tục liên quan

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT, hợp phần mua sắm trang thiết bị dự án đã được xúc tiến, khảo sát thực hiện từ năm 2020, nhưng bất thành.

Ngoài dịch COVID-19 tác động, các nguyên nhân chủ quan khác đã khiến tiến trình đầu tư bị chậm trễ. Khó khăn nhất là việc rà soát, thống nhất danh mục và cấu hình thiết bị y tế phải lấy ý kiến điều chỉnh nhiều lần với các đơn vị thụ hưởng, vấn đề thẩm định giá thiết bị, tỷ giá EURO/VNĐ liên tục giảm so với tỷ giá phê duyệt ban đầu, dẫn đến phải xem xét, điều chỉnh danh mục, số lượng trang thiết bị cho phù hợp...

Đối với kiến nghị, đề xuất liên quan của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính thống nhất kết thúc dự án, sử dụng vốn đầu tư công của địa phương để hoàn thành các hạng mục còn lại.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc cắt giảm hạng mục mua sắm trang thiết bị và kết thúc dự án như đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam đồng nghĩa với việc dự án không đạt được mục tiêu cấp có thẩm quyền phê duyệt (đã sử dụng vốn ODA để xây dựng trạm y tế song không có trang thiết bị). Phía Chính phủ Italia có thể coi dự án thất bại, sẽ xử lý theo các quy định của biên bản ghi nhớ (MOU).

Một trong những điều khoản của MOU có bàn đến việc trở ngại thực hiện dự án nhiều hơn 24 tháng, các bên sẽ thảo luận về tiếp tục dự án và sẽ “quyết định các hành động cụ thể”.

Trường hợp bất khả kháng sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc và được cấp kinh phí. Bộ Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chủ động trao đổi với Bộ KH&ĐT, nhà tài trợ để có các biện pháp thích hợp, giảm thiểu hậu quả từ việc kết thúc dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Quảng Nam phải phân tích kết quả, nguyên nhân, trách nhiệm của địa phương, chủ dự án trong việc phải kết thúc dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi với Bộ KH&ĐT để xử lý việc kết thúc dự án theo quy định của MOU giữa hai Chính phủ. Đây là cơ sở cho Bộ Tài chính trao đổi với phía Italia về thủ tục hủy vốn vay và kết thúc dự án tại hiệp định tài chính liên quan.

Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, dự án không khả thi để tiếp tục thực hiện, hoàn thành các nội dung đầu tư. Các đơn vị tư vấn không thể đáp ứng đúng danh mục và tiêu chuẩn, cấu hình thiết bị theo danh mục và cấu hình phía nhà tài trợ đã thống nhất trước đây.

Nhiều trang thiết bị hiện nay không còn sản xuất hoặc cấu hình, tiêu chuẩn đã thay đổi, không có tên trên thị trường để xác định giá. Theo yêu cầu của nhà tài trợ, hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế phải tổ chức đấu thầu quốc tế, 25% thiết bị phải có xuất xứ từ Italia, nên việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, dường như không thể.

Ngoài ra, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, gia hạn đến 3 lần và chỉ cho phép gia hạn thời gian thực hiện, gia hạn hiệp định vay đến ngày 31/12/2023. Quảng Nam đang chờ các thủ tục liên quan để có thể kết thúc dự án.

TRỊNH DŨNG