Góc suy ngẫm

“Từ điển tiếng Quảng” và việc làm trong sáng tiếng Việt

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/06/2024 06:51

Chúng ta thường thấy phương ngữ hiển lộ trong cách xử lý ngữ âm và từ vựng của báo chí địa phương. Nghe đài, xem ti vi ở 3 miền ứng với 3 vùng phương ngữ Bắc - Trung - Nam, sẽ thấy có những khác biệt trong phát âm và dùng từ. Vậy nên trong thực tế đời sống có lúc phải dùng từ điển phương ngữ mới có thể hiểu được, ví như tiếng Quảng…

Nhà báo Lê Minh Quốc có những phát hiện thú vị về tiếng Quảng thông dụng, “chẳng hạn “điệu” là làm dáng như: “- Chà! Bữa ni ăn mặc điệu quá ta!”, tương tự như thế còn có chữ “”, “gò” là tán tỉnh như: “- Cái thằng ni trổ trời, hỉ mũi còn chưa sạch mà đã gò gái”; thuở nhỏ, tôi còn nghe một từ tương tự là “cua” như: “- Anh Tư đi cua gái hay reng mà cái đầu láng mướt rứa hè?”; “ế” dành để chỉ những cô gái lỡ thì không có người cưới hỏi; “ghế” là chỉ cơm độn với ngũ cốc như: “- Cơm bữa ni ghế với khoai lang”; “hú hí” là nhỏ to với nhau; “in” là giống nhau như đúc; “không reng (răng)” là không sao, đừng sợ như: “- Chó sủa thôi chớ không reng mô”; “lợt nhớt” là quá lợt; “rượng” là “ngứa nghề”; “sít rịt” là sít với nhau không hở; “trịt” là tẹt như: “- Cô kia cái mặt cũng dễ coi nhưng tiếc cái mũi trịt lít”; “ủm” là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: “- Ủm em”, còn “ẵm” là bồng...”.

Cố nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, cũng liệt kê hàng loạt từ ngữ riêng biệt mà phải tra “từ điển tiếng Quảng” mới hiểu được. Ví dụ: ảng (đồ dùng chứa nước lớn hơn cái lu), bảy đáp (người buôn heo), bị (túi áo, túi quần), bủng (phù thủng), cúp tóc (hớt tóc), chè hẻ (ngồi không khép đùi), chùm hum (đứng cúi lom khom), diều (thực quản gà, vịt), dợm (sắp làm cái gì, sắp đi đâu đấy, thử đưa ra ý định), dặn (bận rộn), (nhá, nhứ trước khi đánh), dị (xấu hổ), đủm (ngắn), đùi (không bén), đầu dầu (đầu trần không đội nón), hỉ (vậy, nhé), hung (nhiều quá, dữ quá), hầm hinh (chông chênh), khí (chỉ người hoặc vật không ra gì), kinh (quá), khỏ (đánh khẽ), lung (rất nghịch ngợm, đùa nghịch), phỉnh (lừa gạt), (nhỏ, ít),v.v.

Trên mặt báo chí, bạn đọc cũng sẽ bắt gặp trên Báo Quảng Nam những từ ngữ hay dùng khác với các nơi, như heo để chỉ lợn, trái bắp để chỉ ngô, và các từ tương tự: trái (quả), bông (hoa), đậu phụng (lạc), (ô), mùng (màn), tàu lửa (tàu hỏa), ba (bố), nhéo (véo), mửa (nôn), ăn hiếp (bắt nạt), trả giá (mặc cả),…

Với các trường hợp dùng từ ngữ thông dụng nêu trên, khi nhà báo ở nơi khác đến tác nghiệp trên địa bàn Quảng Nam buộc phải “tập nghe” mới ghi chép được.

Rõ ràng phương ngữ, thổ ngữ có mặt tích cực là góp phần thể hiện bản sắc vùng đất, con người, nhất là về văn chương đôi khi dùng nó sẽ có lợi để khắc họa chân dung nhân vật mang hơi thở vùng miền.

Cao hơn nữa, phương ngữ còn là chỉ dấu bản sắc văn hóa. Với tiếng Quảng, giọng Quảng cũng vậy, nên những người đi xa quê chỉ cần nghe ra tiếng của đồng hương là gợi lên tình thương, bến nhớ.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng từ điển phương ngữ mọi lúc mọi nơi, nhất là văn chương chữ nghĩa, hay phát ngôn qua đài và viết báo, vì sẽ tạo ra những “ốc đảo từ vựng và ngữ âm” gây khó hiểu, hạn chế tính phổ thông, phổ quát.

Trong lịch sử, nhà Nguyễn từng dùng tiếng Quảng trong lễ thiết triều, bởi “Chí như ngữ âm bình lượng, thị chư tỉnh vi thích trung, tuy kinh sư diệc dĩ Quảng Nam âm vi chính” (dịch nghĩa: Còn như tiếng nói thì bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì đây vừa thích trung, tuy kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính).

Nhưng tự hào mà đừng tự cao, nên dùng phương ngữ sao cho vừa thể hiện được bản sắc vùng đất, con người, vừa góp phần chuẩn hóa, làm trong sáng tiếng Việt.

NGUYỄN ĐIỆN NAM