Tết Đoan ngọ, ăn bánh ú tro
Thấy bánh ú tro là biết đến Tết Đoan ngọ. Ông bà có câu “Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng Năm” như lời nhắc về tục lệ của người Việt Nam.
Mỗi dịp Tết Đoan ngọ, bánh ú tro thường hiện hữu trên mâm cúng, ở gian bếp của mỗi gia đình người Việt.
Chiếc bánh có dáng hình tam giác đứng, có thể lý giải theo âm dương ngũ hành, hình tam giác là dương Hỏa bên ngoài bao bọc để tương sinh với âm Thổ của bánh bọc bên trong.
Màu sắc của bánh cũng tượng trưng cho màu của đất. Quay trở về đất nhưng âm dương tương sinh để rồi lại sinh sôi, phát triển. Đó là lý lẽ của tạo hóa.
Người khắp vùng xứ Quảng đều có truyền thống gói bánh ú tro phục vụ cho Tết Đoan ngọ. Lá kè được bứt từ trên núi, chuyển về các vùng đồng bằng. Nếp được ngâm kỹ cùng với tro cây mè được lọc kỹ. Bánh khi gói phải đều và chắc tay, đảm bảo sau khi luộc không bị vỡ lá, có hình tam giác đẹp mắt. Thời gian để cho nếp đủ nhừ và hòa quyện với tro và màu lá khoảng 6 tiếng.
Ngày Tết Đoan ngọ, cầm xâu bánh ú tro, nghe trong từng lớp lá thơm lừng mùi nếp ủ...