Văn hóa

Câu chuyện của tấm bia đá Chiên Đàn

VÕ VĂN THẮNG 09/06/2024 08:00

Sau hơn 100 năm từ khi được phát hiện tại di tích Chiên Đàn, các mảng vỡ của tấm bia C 64 đã lưu lạc và một mảng không còn tìm thấy. Nhưng nhờ các bản dập cũ và nỗ lực khảo cứu của các nhà chuyên môn, đến nay các dòng chữ khắc cổ xưa đã được giải mã.

Nhóm tháp Chăm Chiên Đàn. Ảnh: H.X.Tịnh
Nhóm tháp Chăm Chiên Đàn. Ảnh: H.X.TỊNH

Từ những mảnh ghép

Hiện nay, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có trưng bày một mảng đá nhỏ khắc 4 dòng chữ Phạn, với tên gọi “Văn khắc”, ký hiệu BTC 83.

Theo ghi chép của Henri Parmentier trong “Catalogue du Musée Cam de Tourane” (1919), đây là một mảnh của tấm bia đá từ nhóm tháp Chăm ở Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam, do ông C. Paris mang về đồn điền ở Phong Lệ trước năm 1900 rồi chuyển đến công viên Tourane năm 1901.

Mảng văn khắc Chiên Đàn tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: L.H.Bình)
Mảng văn khắc Chiên Đàn tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: L.H.BÌNH

Trong tập sách “Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam” (1918), Parmentier cho biết nguyên gốc tấm bia ở di tích Chiên Đàn có kích thước 2m40 x 0m80; vỡ làm 3 mảnh, trong đó hai mảnh còn để lại ở di tích; đã được Amoynier giới thiệu trên tập san “Journal Asiatique” năm 1896; và được Coedès đưa vào “Bảng thống kê văn khắc Champa và Cambodia” (1908) với ký hiệu C 64.

Ngoài những thông tin khái quát trên, khách tham quan bảo tàng không biết gì thêm về nội dung cụ thể của bản văn khắc. Năm 1989, khi chuẩn bị mặt bằng cho công việc trùng tu nhóm tháp tại di tích Chiên Đàn, đoàn công tác của Sở Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng đã phát hiện một khối đá lớn có khắc 9 dòng chữ Phạn, có dấu vết đã vỡ mất một phần.

Cho đến năm 2009, trong bài nghiên cứu về các vương quốc Champa nửa cuối thế kỷ 11 (đăng trên Péninsule số 59), Anne Valérie Schweyer cho biết khối đá phát hiện năm 1989 chính là một trong 3 mảnh vỡ của văn khắc C 64 và đã dựa vào các bản sao dập trong kho lưu trữ để dịch văn khắc này ra tiếng Pháp.

Mảng văn khắc Chiên Đàn trưng bày tại di tích. Ảnh: T.T.Sáng
Mảng văn khắc Chiên Đàn trưng bày tại di tích. Ảnh: T.T.SÁNG

Năm 2011, nhóm nghiên cứu do Arlo Griffiths chủ trì đã khảo sát thực tế khối đá trưng bày ở di tích Chiên Đàn và hiện vật BTC 83 tại Bảo tàng Chăm, đồng thời đối chiếu với các bản dập lưu trữ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO).

Qua đó nhằm đưa ra một bản phiên âm đầy đủ nhất toàn bộ văn khắc C 64, kèm theo bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt, in trong tập sách “Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”, xuất bản năm 2012.

Nội dung tóm tắt như sau: “Sau một thời kỳ đầy biến động được ghi dấu bởi sự cai trị của một vị vua tồi tệ đã để lại một đất nước Champa hoang tàn, vị vua Harivarman tương lai đã trục xuất một liên minh các kẻ thù ở đất nước mình.

Harivarman trở thành vua của vương quốc Champa và bắt đầu tái thiết đất nước: ngài đã xây dựng một kinh đô, khôi phục kinh thành Tralauṅ Svon và làm cho đất nước thịnh vượng trở lại.

Ngài mở rộng biên giới Champa và khiến một số vùng đất láng giềng tuân phục Champa. Vua Harivarman dâng tặng lễ vật cho chư thần của Madhurāpura và dựng một linga tại Harināpura.

Ngài dâng tặng các tù nhân bị bắt cho các vị thần địa phương khác nhau. Ngài cải cách hệ thống thuế khóa và đã làm cho đất nước Champa còn hùng cường hơn cả trước khi xảy ra thời kỳ biến động. Nhà vua mãn nguyện”.

Mối liên kết trong nội dung văn khắc

Niên đại của văn khắc được xác định là đầu thế kỷ 11, đó là thời kỳ Champa vừa trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt với các nước láng giềng. Văn khắc Kambuja (Cambodia) thời kỳ vua Rajendravarman II (năm 944 - 968) có ghi lại các cuộc tấn công vào nước Champa, “kinh thành Champa bị thiêu thành tro bụi”.

Một bản văn khắc ở khu di tích Po Nagar (Nha Trang) cũng nói đến việc Kambuja cướp đi pho tượng vàng từ một ngôi đền của Champa. Sử Đại Việt có chép về cuộc tấn công của Lê Hoàn vào kinh đô Champa năm 982, “san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu”.

Bản dịch văn khắc C 64 Chiên Đàn (Arlo Griffiths và cộng sự).
Bản dập mảng vỡ (đã bị thất lạc) của văn khắc Chiên Đàn. (Lưu trữ của EFEO)

Văn khắc C 64 ở di tích Chiên Đàn đề cập “sự cai trị của một vị vua tồi tệ để lại một nước Champa hoang tàn”, được khôi phục dưới thời vua Harivarman.

Điều này cũng phù hợp với thông tin chép trong sử nhà Tống (Trung Hoa) về các biến cố dẫn đến sự thay đổi các vị vua Champa vào những năm cuối thế kỷ 10 cùng với những đợt tản cư của một số tộc họ Champa qua đảo Hải Nam lúc bấy giờ.

Đặc biệt, văn khắc C 64 Chiên Đàn nói đến một kinh thành có tên là Tralauṅ Svon bị tàn phá, được vua Harivarman xây dựng lại. Đây là danh xưng của một kinh thành được nhắc đến trong các văn khắc khác ở di tích Mỹ Sơn (văn khắc C 89, C 94), trong ngữ cảnh có nói đến Siṃhapura (văn khắc C 95, năm 1056).

Đến nay chỉ mới có các cuộc khai quật tìm thấy dấu tích một kinh thành ở Trà Kiệu, được cho là Simhapura, gần với trung tâm tín ngưỡng Siva giáo ở Mỹ Sơn; trong khi đó vị trí và tên gọi kinh thành gắn với trung tâm tín ngưỡng Phật giáo ở Đồng Dương vẫn còn là một bí ẩn, liệu có liên quan với Tralauṅ Svon trong văn khắc Chiên Đàn?

VÕ VĂN THẮNG