Myanmar và những giao cảm diệu kỳ
“Myanmar - truyện không phải truyện” của tác giả Au Min (nhà báo Trần Ngọc Sinh) là bản giao cảm lạ lùng của những con người ở đất nước được mệnh danh “kho báu cuối cùng của châu Á”.
Cuốn sách là những trang văn trữ tình của người làm báo. Điều này khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục khi theo dấu chân anh len lỏi trong rừng sâu, đi tìm mật ngữ của đời sống bình dị giữa thiên nhiên an lành.
Ngay từ những trang sách đầu tiên, sự huyền bí lạ lùng như lực hút khiến người đọc không thể dứt rời. Tôi bắt đầu chìm đắm vào câu chuyện mà anh dẫn dắt, với những hình xăm của tay thợ xăm kỳ bí Aung Myat Thu - người sau này đột nhiên trở thành “tình địch” trong mối tình tay ba khá ly kỳ.
Aung Myat Thu - mắt xích quan trọng trong toàn bộ câu chuyện - là một chàng trai kỳ lạ “thường nhảy múa và cười to một mình hoang dại” trong rừng sâu. Anh như thể né tránh cả thế giới người nhộn nhạo ngoài thị trấn để tìm một nơi trú ẩn an toàn với những sở thích riêng.
Chàng trai yêu nghề xăm, yêu những vệt màu xăm và tỉ mẩn với nó. Có một mối liên kết khó tả giữa anh ta và tác giả - nhân vật tôi trong câu chuyện, ở bản tính thích sống chan hòa với thiên nhiên, làm nên một tình bạn đẹp.
Chàng thợ xăm này đã xăm cả một cánh rừng với những loài sinh vật thân thuộc. Đó là hình ảnh thu nhỏ của cao nguyên Shan lên tấm lưng của tác giả, để anh có thể mang cánh rừng ấy đi bất cứ đâu, kể cả khi trở về quê hương Việt Nam. Với họ, đây là cách để chúng bất tử. “Những hình xăm chỉ mất đi cùng với sự hoại diệt của thân xác”.
Thị trấn K, cao nguyên Shan, những cánh rừng và con người Myanmar hiền hòa, hồn hậu là nơi giúp tác giả “chữa lành” chứng trầm cảm của mình. Chỉ bằng cách đơn giản nhất: đếm bước chân đi. Không chỉ vậy, anh còn tìm thấy tình yêu của mình ở đó: Su Yee - một cô gái Myanmar thuần khiết trong lành.
Bối cảnh ra đời của tác phẩm được cho là trong giai đoạn Myanmar gặp những biến động lớn: cuộc đảo chính của giới cầm quyền quân sự, cùng lúc với dịch COVID hoành hành. Nhưng với cái nhìn đầy cảm thông, tác giả chỉ dẫn người đọc đi qua những phân cảnh nhỏ của cuộc chiến.
Còn lại, là một đời sống hiền hòa bình dị của người nơi đây. Họ là những con người mang trong mình hồn cốt và thứ văn hóa lâu đời rất đẹp của đất nước. Ở họ phảng phất mùi trầu từ tấm bé. Những tiệm trầu là nơi gặp gỡ. “Chúng tôi là một dân tộc khiêm nhường, ít nói, trầm lặng. Chúng tôi thư giãn bằng ca hát, lễ hội và nhai trầu. Ngoài ra, nhai trầu làm chúng tôi bớt nói. Chúng tôi ghét ồn ào”.
Có lẽ vì vậy, họ còn có một bộ phận đồng bào thiểu số thuộc nhóm “người buồn” vì bị mất tiếng nói, bị ép buộc phải hòa tan vào đám đông. Tôi đặc biệt bị thu hút bởi cặp đôi chị em gái song sinh “người buồn”. Hai người đàn bà lặng lẽ như hai cây nến. Họ có những ý niệm sống thật lạ lùng, đến mức tự mình “thiết kế cái chết” để “chết sao cho đẹp”. Đáng tiếc là, cuối cùng họ cũng không thể tự lựa chọn một kết thúc đẹp cho mình.
Dẫu vậy, niềm tin cuối cùng vẫn còn gửi gắm nơi chàng thợ xăm kỳ bí kể trên. Anh ta, một người có tâm hồn đẹp với câu hỏi đau đáu suốt đời người: “Làm một người tốt có dễ không?”. Anh ta, cuối cùng cũng là một “người buồn” không phản bội lại đồng bào mình, dẫu máu mình đã đổ, vì cuộc chiến, không phải vì những hình xăm đẹp đẽ còn dang dở.
“Myanmar truyện không phải truyện” khép lại bằng một sự sống mới tượng hình - đứa con của chàng thợ xăm. Nhưng liệu anh ta có trở về? Điều cuối cùng đọng lại là tiếng con chim sáo kêu lên tha thiết - cũng là đại diện cho mối giao cảm tuyệt đẹp giữa thiên nhiên và con người.