Mầm xanh
Mỗi sáng, Linh bị đánh thức bởi thanh âm ồn ào từ quán cà phê dưới tầng trệt. Từ ban công căn hộ nhìn xuống, Linh thấy quán cà phê chỉ vỏn vẹn 3 bộ bàn. Loại bàn nhựa bé tí, thấp tè. Có lẽ họ phải lựa bộ bàn ghế có kích cỡ bé nhất, mới kê vừa khoảng vỉa hè họ tự ý lấn chiếm đó.
Vậy mà tiếng ồn vẫn loang ra cả xóm. Khách hàng ruột của quán là cánh đàn ông rảnh rỗi, độ chừng năm, bảy người, sáng nào cũng tụ tập nói chuyện thiên hạ. Ai bảo đàn ông kiệm lời, ít chuyện?
Căn hộ Linh ở tầng hai, một bên là căn phòng cho thuê trọ. Hôm rồi mới có gia đình trẻ dọn đến ở. Có lẽ do trời nóng hay sao, hai đứa bé thay nhau khóc ngằn ngặt. Vợ chồng hàng xóm đối diện phòng Linh có 2 đứa con lớn hơn, nhưng mẹ của chúng không ngừng quát nạt mỗi lúc chuẩn bị đến trường, có như vậy chúng mới chịu rời chiếc điện thoại để đi học đúng giờ.
Buổi chiều, không gian sống của Linh còn bùng nổ hơn bởi được phụ họa bằng những ca từ não nề có, sôi động có, từ chiếc loa kẹo kéo. Bằng đó thanh âm lặp lại mỗi ngày, đến ngán ngẩm.
Những lúc ấy Linh lại rủ chồng: “Hay là mình đi đâu ít ngày”. Hoàng, chồng Linh lúc nào chẳng chiều theo ý cô. Nhưng lần này anh mới chuyển sang chỗ làm mới. Công ty quy định trong thời gian thử việc không được nghỉ phép, trừ những việc cấp bách.
Dù không nói ra, nhưng Hoàng hiểu sự không hài lòng của Linh khi sống ở nơi này. Anh luôn cho đó là lỗi của mình. Chẳng phải anh đã từng nói với Linh sẽ mang lại cho cô ấy cuộc sống tốt nhất? Tuổi trẻ luôn thừa sự tự tin, nên ngại ngần gì một lời hứa. Chỉ đến khi bị dòng đời quăng quật té sấp té ngửa, đồng tiền kiếm ra sao mà khó quá, Hoàng mới dần tỉnh ra, sống cho thực tế lên. Số tiền bao nhiêu năm đi làm dành dụm, gom cả quà mừng cưới của hai bên họ hàng, Hoàng và Linh mới mua được căn hộ cũ ở thành phố. Được cái, căn hộ nằm ngay trung tâm nên tiện cho công việc của cả hai.
Tối đó, Hoàng nói với Linh: “Đợi sau này cha mẹ chia đất, chúng mình sẽ có chỗ ở tốt hơn…”. Nhưng là bao giờ? Linh chưa bật ra câu hỏi đó, dù nó luôn ngự trị trong cô. Bố mẹ Hoàng ở quê, có mảnh đất rộng hứa sẽ chia cho 3 anh em, nhưng không phải là bây giờ. Ý nghĩ đó khiến Linh giận cả bố mẹ Hoàng, cứ khư khư giữ đất quê nhà làm gì, để con cái phải sống khổ sở nơi thành thị chật hẹp.
Linh chìm vào giấc ngủ khi vẽ ra trong đầu những chuyến du lịch đến vùng đất mới đầy ắp sự thú vị. Có như vậy, Linh mới quên đi thực tại chán ngắt ở nơi mình đang sống này.
*
* *
Buổi sáng, lúc Linh vừa mở cửa để ra ngoài thì bắt gặp một người đàn ông trong bộ pijama đứng ngay trước cánh cửa phòng mình. Cả Linh và ông cụ đều bị bất ngờ khi nhìn thấy nhau. Linh không kịp phản ứng gì. Còn ông cụ thì thong thả bước đi, hay tay đưa lên đưa xuống như đang tập thể dục.
Nơi chung cư, hành lang là lối đi chung nên Linh cũng chẳng có lý do gì để hỏi ông cụ tại sao đứng trước cửa nhà mình. Nhưng nỗi thắc mắc thì vẫn ở trong lòng Linh, rõ ràng ông cụ cố ý muốn nhìn vào bên trong, dù cửa căn hộ nhà Linh có đến 2 lớp, nhìn cũng chẳng thấy.
Linh kể cho chồng nghe, Hoàng nói chắc họ chỉ đi ngang, vô tình dừng lại ngay lúc Linh mở cửa. Hoàng đơn giản và ít hoài nghi hơn Linh. Linh thì vẽ ra đủ thứ chuyện trong đầu mình, rằng có khi kẻ gian lợi dụng ông lão để theo dõi nhằm mục đích xấu chăng? Linh nhớ lại vụ mất trộm trong tủ đồ ở trung tâm thể thao. Giữa nơi luôn có người ra vào, và còn thuê bảo vệ trông coi, mà kẻ trộm vẫn ngang nhiên mở tủ đồ lấy đi những thứ giá trị của khách. Người ta cho rằng do dùng ổ khóa số. Việc đứng sát nhau để khóa ngăn tủ đựng đồ chính là lỗ hổng khiến kẻ gian đột nhập vào lấy mã số dễ dàng. Nhà Linh cũng dùng ổ khóa số, có khi nào…
Hôm sau, người gặp ông cụ là Hoàng. Khác với Linh, Hoàng bắt chuyện tự nhiên: “Ông ở gần đây à?”. Người đàn ông cố hữu trong trang phục pijama nhìn hiền lành, da dẻ hồng hào, khuôn mặt đầy tròn phúc hậu và ánh mắt sáng lên khi nghe giọng Hoàng. Ông trả lời: “Không, tôi chỉ… đến chơi”. Hoàng hỏi tiếp: “Vậy là người thân của ông ở chung cư này ạ?”. Ông cụ tiếp tục lắc đầu. Đọc được dấu chấm hỏi trong mắt Hoàng, ông cởi mở chia sẻ: “Tôi là chủ cũ của căn hộ này, 60 năm rồi cơ đấy”.
Bây giờ thì cả Hoàng và Linh đều hiểu ra câu chuyện. Linh thở phào, vì không phải như những ý nghĩ khắc nghiệt trong cô. Cô nói với Hoàng hỏi xem ông cụ có muốn vào nhà chơi không? Hoàng cũng như chợt nhớ ra, vội mở cửa mời ông cụ vào nhà. Ông cụ có chút lưỡng lự sợ phiền, nhưng trong đáy mắt của ông chẳng thể giấu được nỗi khao khát muốn trở lại căn nhà cũ nhiều kỷ niệm mà mình từng gắn bó thêm một lần nữa.
*
* *
Đêm, Linh không ngủ được. Cô nhớ đến ánh mắt sáng lên của ông cụ, khi ông chạm tay vào từng mảng tường tưởng là vô tri, chẳng có ý nghĩa gì. Ông kể, đoạn tường này ngày xưa bà treo tấm bảng, đứng giảng bài cho học sinh mỗi ngày. Khi bà mất, mỗi lần nhìn lên bức tường có treo tấm bảng, ông lại thấy hình bóng bà. Bà hiền lành, chăm lo cho ông từng chút một. Không có bà, ông chẳng biết tự bắc nồi cơm cho mình ăn. Cả quần áo ông mặc, bà đem phơi mỗi ngày, xong gấp cẩn thận bỏ vào tủ. Mỗi buổi chiều lấy ra cho ông một bộ để sẵn trong nhà tắm. Vậy nên khi bà mất, ông còn chẳng biết quần áo của mình bấy lâu nay để ở đâu. Bà cũng biết ông sẽ khổ sở ra sao, vậy mà vẫn rời bỏ ông đi cho đành lòng.
Ông đi ra hướng ban công, nơi đó từng là “vườn cây” của bà. Ông đóng kệ cho cao lên ngang người, để những chậu cây đón được ánh nắng buổi sáng. Bà nhà ông thích trồng cây, bà muốn thấy cây trong mọi góc nhìn. Nhờ kệ ông đóng, những chậu cây của bà ngày càng xanh rờn, tốt tươi. Mỗi sáng, bà chọn một chậu đẹp nhất đem vào nhà. Đến chiều tối lại đưa ra cho cây phơi sương. Hôm sau trong nhà lại có chậu cây khác. Có bà, từng góc trong căn nhà bỗng trở nên sinh động, sức sống hẳn lên.
Ông nhìn lên phía mái tôn che máng xối từ tầng trên, hỏi Linh xem có thấy tổ chim ở nơi đó không? Linh nhìn theo hướng tay ông chỉ, một cành cây khẳng khiu hình như mọc từ dưới tầng trệt, nơi chạng ba, đúng là có mấy sợi lông chim. Ở phía dưới, cũng là đoạn có mái tôn từ tầng trệt che ra để chắn mưa nắng, ông hỏi Linh bầy mèo hoang còn về sinh sống không? Dạo đó, bà hay cho lũ mèo thức ăn thừa, chúng kéo nhau về nhiều lắm…
Ông chỉ tay ra phía góc ban công, bảo nơi này ngày xưa ông có kê bộ bàn trà để mỗi sáng ông với bà ra phơi nắng sớm, kể mãi không hết những câu chuyện ngày xưa cho nhau nghe, bởi có những chuyện bà kể đi kể lại, mà mỗi lần kể vẫn hào hứng như thể đó là lần đầu… Già rồi, ai chẳng lẩn thẩn vậy. Linh nhìn theo hướng ông chỉ, thấy chậu đất đã khô cằn, bên trong là gốc mai chiếu thủy đã chết khô từ bao giờ. Cô hình dung những chùm mai chiếu thủy như chùm đèn đong đưa tỏa hương thơm bên bàn trà của cặp vợ chồng già buổi sớm ban mai trong lành. Cô không nỡ hỏi ông xem quán cà phê bên dưới mở lâu chưa, có ồn ào như bây giờ không? Linh sợ những thắc mắc của mình như một nét vẽ bị lỗi làm hỏng đi bức tranh tươi sáng trong lòng ông cụ.
Ông cụ nói về cái nơi Linh đang chán ngắt, mà nghe cứ như một thiên đường cổ tích từ thời xa xăm nào.
*
* *
Buổi sáng thức giấc, việc đầu tiên Linh muốn ra thăm lại chậu mai chiếu thủy. Hôm qua, sau khi ông cụ về, Linh đã mang nước ra tưới cho cây. Tưới đến 3 ca nước đầy mới thấy dòng nước từ đáy chậu chảy ra.
Vừa lúc Hoàng bước ra ban công. Linh hỏi: “Anh xem, cây mai chiếu thủy này có sống lại được không?”. Hoàng đưa tay nhẩm tính, đã gần 6 tháng kể từ ngày Hoàng mua căn hộ và cùng Linh dọn về nơi này. Khoảng thời gian đó nắng nhiều hơn mưa. Anh đưa phần móng tay bấm vào đoạn gốc cây mai chiếu thủy, vẻ như vẫn còn nhựa sống.
Hoàng bảo: “Nếu chịu khó tưới nước, cây sẽ hồi sinh”. “Vậy em sẽ không đi du lịch nữa, chăm chỉ tưới nước đợi cây hồi sinh”. Hoàng cười: “Mình có thể mua chậu cây khác để ngắm nếu em thích”. Nhưng Linh bảo, cô ấy thích năng lượng từ chính chậu cây này, bởi ở đó có tâm thức thảnh thơi, bình yên của ông bà cụ.
Hôm sau, Hoàng trở về với một chậu cây cành lá xanh tươi, từng chiếc lá như hình trái tim, mỡ màng. “Cây hạnh phúc, ở cửa hàng họ nói vậy, nên anh mua để ở ban công”. Xong, anh tìm vị trí kê cây, kê luôn chiếc bàn đọc sách theo ý Linh.
Một buổi sáng, Linh reo lên thích thú khi chạm mắt phải chồi non bé xíu vừa nứt mầm từ thân cây mai chiếu thủy, ở gần đoạn hôm trước Hoàng cưa phần thân đã chết đi. Anh dặn Linh mỗi ngày khi rảnh ra xịt nước lên thân để dưỡng ẩm cho cây. Đến ngày thứ 20 thì điều kỳ diệu ấy xảy ra. Niềm hạnh phúc ùa về theo mầm xanh chỉ như một dấu chấm bé xíu mà Hoàng phải căng mắt mới nhìn ra. Linh còn hào hứng chụp hình lại mầm xanh kỳ diệu ấy, cẩn thận lưu vào máy.
Bữa sáng được Linh dọn ra chiếc bàn nơi ban công, cô thích góc ngồi này, vì nó mang đến sự bình an thực sự, hay chính ý nghĩ mình hướng về sẽ thành hiện thực?
Cô nhớ ra cũng lâu rồi, mình chẳng còn nghe thấy tiếng ồn nào ở nơi này. Nhưng trong bữa ăn, Linh vẫn rủ Hoàng: “Khi nào chúng mình cùng về quê thăm lại căn nhà cũ, anh nhé!”. Hoàng gật đầu. Cả hai vui vẻ nhắc lại thời kỳ “tuổi thơ dữ dội” của họ, khi còn là hàng xóm nơi miền quê hiền hòa.