Sức sống mới trên huyện nghèo - Bài 1: Đổi đời từ thay đổi nếp nghĩ
Đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới... là tinh thần luôn được cán bộ, đảng viên ở huyện Nam Trà My phát huy với mong muốn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong tại địa phương. Đây là nền tảng cho hành trình thay da, đổi thịt của huyện nghèo vùng cao này.
Bài 1: Đổi đời từ đổi thay nếp nghĩ
Tinh thần nêu gương của đảng viên trong phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ khó khăn, đã tạo nên chuyển biến trong nhận thức của người dân vùng cao Nam Trà My. Họ biết vươn lên làm ăn, quyết tâm thoát nghèo...
Nữ đảng viên nêu gương
Những chuyến ngược núi, chúng tôi có duyên gặp gỡ rất nhiều nữ đảng viên vùng cao huyện Nam Trà My có “tiếng nói” trong cộng đồng. Họ từng có xuất phát điểm rất khó khăn, từng khép mình giữa nhiều hủ tục lạc hậu. Từ nhà nhìn ra, bốn bề là núi rừng. Song, họ mạnh dạn mở tầm nhìn xa hơn, rộng hơn để thấy tiềm năng từ chính những triền núi, khoảnh rừng.
“Có nương rẫy nhưng mình hạn hẹp về kiến thức, kinh nghiệm. Cách duy nhất là bám vào chủ trương của Đảng, tin tưởng vào định hướng của địa phương và tự thân nỗ lực để thấy hướng giảm nghèo” - đảng viên Hồ Thị Kim (Chi bộ thôn 3, xã Trà Don) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vượt khó để làm gương cho bà con có cùng điều kiện như mình.
Năm 2008, khi vừa kết hôn xong, chị Kim bàn với chồng phủ xanh đất trống bằng cây quế Trà My - loại cây dược liệu đang được chính quyền địa phương vận động nhân rộng. Lấy ngắn nuôi dài, chị bắt đầu trồng xen canh sắn.
Cách làm này không tốn nhiều công chăm sóc, lại có bóng mát cho quế non sinh trưởng trong giai đoạn đầu. Trong thời gian chờ mùa thu hoạch sắn, gia đình chị làm thêm lúa nước, lúa rẫy, nuôi heo…
Thức thời, nhạy bén trong làm ăn, chị Kim tìm hiểu nắm bắt nhu cầu tiêu thụ nông sản để kinh doanh. Sau khi khảo sát thị trường, chị đứng ra thu gom quế, rau rừng, măng, đót,... từ người dân địa phương rồi bán cho thương lái dưới huyện. “Mùa nào thức nấy”, tư duy này vừa giúp gia đình chị Kim có thêm thu nhập, vừa tạo đầu ra nông sản ổn định cho người dân.
“Lợi nhuận từ nuôi trồng, kinh doanh, tôi tiếp tục đầu tư trồng quế. Đến nay, gia đình có 10.000 gốc quế, là sinh kế lâu dài của gia đình, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương” - chị Kim nói.
Từ triển vọng bước đầu, chị Kim nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân trong các buổi họp thôn, sinh hoạt chi hội phụ nữ… Đến nay đã có 6 hộ áp dụng, xây dựng thành công các mô hình kinh tế, bước đầu đã có thu nhập; trong đó có 2 hộ đã thoát được nghèo.
Ở thôn 1, xã Trà Vân, nữ đảng viên Nguyễn Thị Nhẹ cũng là điển hình mở lối thoát nghèo cho bà con Ca Dong từ chính những ngọn đồi trong làng.
Năm 2017, với vốn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi tích lũy sau thời gian mày mò tìm hiểu, chị Nhẹ mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế vườn. Bắt đầu với việc trồng quế Trà My xen canh giổi xanh, cau, sắn; dưới tán cây thì nuôi bò, dê, heo, gà… đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình chị Nhẹ.
Không dừng lại ở đó, với tư duy làm kinh tế xoay vòng, khi thu hồi được một phần vốn, chị Nhẹ nhân đàn vật nuôi và đào thêm ao thả cá.
Đến nay, mô hình kinh tế vườn của gia đình chị Nhẹ ổn định đàn vật nuôi với 10 con bò sinh sản, 30 con dê, các loại cây trồng cho thu hoạch theo mùa. Mỗi năm, mô hình kinh tế vườn mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Sau khi thực hiện và khẳng định mô hình thực sự thành công, nữ đảng viên Nguyễn Thị Nhẹ không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên phụ nữ trong thôn, xã.
Tinh thần vượt khó, ý chí tự lực vươn lên cứ thế lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều chị em người Ca Dong. Trong 2 năm 2022 và 2023, áp dụng mô hình với sự hỗ trợ của chị Nhẹ, dù quy mô chưa bằng nhưng đã có 4 hộ phụ nữ trong thôn thoát nghèo từ kinh tế vườn.
Tạo sức lan tỏa
Năm 2023, toàn huyện Nam Trà My có 457 hộ thoát nghèo (đạt 136,4% so với chỉ tiêu đặt ra). Thành quả này có đóng góp không nhỏ của đảng viên địa phương chính từ sự nêu gương để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Rõ nhất là câu chuyện ở xã Trà Linh, để có hàng chục hộ ăn nên, làm ra từ cây sâm Ngọc Linh, những đảng viên như Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Du,… đã tiên phong hưởng ứng chủ trương của địa phương trong những ngày đầu tiên.
Theo thời gian, khi giá trị cây sâm có chiều hướng tăng dần, đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân. Đến nay, người dân đã tự ý thức nhân rộng, phát triển. Toàn xã Trà Linh có tới 95% số hộ dân tham gia trồng sâm, trường hợp còn lại rơi vào số già yếu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 15,1%.
Ở những vùng núi thấp hơn, đảng viên cũng tạo nên cuộc “cách mạng” mới về tư duy trồng trọt, chăn nuôi trong nhân dân. Bây giờ người dân đã hiểu “không phải cứ có rẫy là gieo lúa, có đồi là trồng keo”, mà cần chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu để phát huy hiệu quả.
Tiêu biểu như mô hình trồng rau lủi ở xã Trà Tập mang thu nhập ổn định và thoát nghèo cho hàng chục hộ. Ở vùng xã Trà Don, Trà Vinh người dân chuyển từ trồng keo sang trồng quế xen canh cây sắn, với thu nhập mỗi héc ta hàng chục triệu đồng/năm từ bán sắn, hạt quế.
Ấn tượng nhất phải kể đến mô hình nhóm hộ nuôi dê dưới sự điều hành của những đảng viên ở xã Trà Nam. Họ đã thay đổi tư duy chăn nuôi “phó mặc cho tự nhiên” bằng cách hình thành nền nếp lao động chuyên nghiệp: Sáng thả dê ra núi đi ăn; trong thời gian này các thành viên nhóm hộ tranh thủ dọn chuồng, tu bổ trang trại, chặt lá làm thức ăn dự trữ; tối lùa dê vào chuồng, cho ăn thêm cây lá đã chặt trong ngày; đêm phân công nhau trông coi trang trại…
Đến nay mô hình thu hút 10 hộ tham gia, tổng đàn ổn định số lượng 80 con và đã giúp hộ ông Hồ Văn Phân, Trần Văn Dần thoát nghèo năm 2023. Sắp tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các xã lân cận để tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong của đảng viên, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững.
Trên hành trình giảm nghèo ở huyện vùng cao Nam Trà My, dấu ấn của những đảng viên trẻ thể hiện rõ qua việc gương mẫu, sẵn sàng gánh vác “cái khó” của địa phương.
Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho hay, để triển khai hiệu quả mô hình “Một đảng viên quản lý, giúp đỡ 10 hộ dân nơi cư trú”, đảng viên trẻ đã kề cận, nắm bắt tư tưởng, hỗ trợ sinh kế phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm đến từng hộ.
Đồng thời trực tiếp tham gia sinh hoạt với nhóm hộ để phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, chuyên tâm lao động. Mô hình thanh niên xã Trà Linh giúp nhau thoát nghèo là thành quả rõ nhất.
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My nói, người dân vùng cao hôm nay không còn muốn mãi gán cái mác “hộ nghèo” nữa. Họ chịu thương, chịu khó, song lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thành ra sinh nhiều lo sợ, tư tưởng không thông. Không thể vận động hiệu quả chỉ bằng lời nói, và chính những đảng viên nêu gương đi trước, làm cho người dân thấy, tin và làm theo, chỉ có hiệu quả đem lại mới tạo sự lan tỏa.
Gian khó đã thử “lửa”, trui rèn ý chí của đảng viên vùng cao. Không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, họ đã, đang theo dõi, kèm cặp, hướng dẫn và truyền lửa để thêm nhiều người trẻ khác vững vàng về tư tưởng, được đứng vào hàng ngũ của Đảng và góp sức cho sự phát triển địa phương.
----------------------
Bài 2: Những hạt nhân chính trị ở cơ sở