Ngành y tế nỗ lực xây dựng dữ liệu số
Dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đồng bộ cơ sở dữ liệu về y tế
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Y tế chưa kết nối, liên thông; các dữ liệu để phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và yêu cầu quản lý đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế vẫn chưa triển khai. Số liệu, dữ liệu và các thông tin thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý.
Tại Quảng Nam, số liệu dịch vụ công ngành y tế trên cổng thông tin dịch vụ công cấp tỉnh là 167 thủ tục. Tất cả đơn vị trong ngành y tế sử dụng mạng LAN kết nối nội bộ trong đơn vị và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng internet để kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị.
Hiện nay, CSDL của ngành y tế được kết nối riêng lẻ từ các phần mềm, ứng dụng tại các cơ sở y tế trong tỉnh đến cổng dữ liệu tập trung Bộ Y tế như Cổng bảo hiểm xã hội, Cổng dược quốc gia, Cổng đơn thuốc điện tử, Hồ sơ sức khỏe…
Hiện nay, chưa có quy định về thẩm quyền, yêu cầu tính chính xác và an toàn thông tin đối với dữ liệu y tế. Các chuyên gia về công nghệ cho rằng, dữ liệu y tế số ở Việt Nam vừa bị “đóng”, lại vừa bị “phân mảnh” do không có chiến lược xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu y tế số. Mặt khác, thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ.
Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có CSDL để quản lý, từ cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho đến dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Tăng tính an toàn và bảo mật
Tại Quảng Nam, hiện tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, với tỷ lệ quét QR-Code CCCD thành công đạt 64,67%. Dữ liệu người tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, đảm bảo để phục vụ cho việc khám chữa bệnh bằng CCCD.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chủ trì, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tuyên truyền hướng dẫn người dân đến khám chữa bệnh mang theo CCCD hoặc xuất trình mã QR trên VNeID để thực hiện thủ tục thay vì mang theo thẻ BHYT. Hiện Quảng Nam thực hiện đạt 92,5% hồ sơ sức khỏe điện tử, cũng như đạt 94,3% về dữ liệu thông tin tiêm chủng trên địa bàn tỉnh...
Hiện nay, ở cấp quốc gia, Bộ Y tế đã xây dựng, vận hành Trung tâm Dữ liệu y tế, với hệ thống hạ tầng ở mức cơ bản: hệ thống mạng LAN, mạng lõi, máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị, phần mềm bảo đảm an toàn thông tin.
Bộ Y tế cũng đang triển khai 5 nền tảng số, gồm: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện.
Yêu cầu về tính an toàn và bảo mật thông tin y tế được đặt ra tại Nghị định quy định quy định quản lý dữ liệu y tế. Theo đó, thẩm quyền, tính riêng tư và các phương thức quản lý dữ liệu y tế đối với các chủ thể liên quan khi tạo lập, sử dụng các dữ liệu y tế buộc phải có quy định theo pháp luật.
Dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế gồm 4 chương, 29 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo đã đề xuất quy định cụ thể về quản lý dữ liệu y tế từ tạo lập, thu thập dữ liệu y tế đến yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, thu thập dữ liệu y tế, thẩm quyền đối với dữ liệu y tế. Trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với việc cập nhật, điều chỉnh, hủy dữ liệu y tế cũng như quy định về khai thác và sử dụng dữ liệu y tế.