Thế giới

Khác biệt giữa hàng không giá rẻ Thái Lan và Việt Nam

NGỌC TRÂN 10/06/2024 17:51

(QNO) - Có sự khác biệt rõ nét giữa Thái Lan với Việt Nam về hàng không giá rẻ. Khi khảo sát hoạt động của Vietjet và… công ty con tại Thái Lan - Thai Vietjet, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt khá rõ ràng giữa hai quốc gia.

1. Không đầy khách
Máy bay hàng không giá rẻ có lúc cũng không đầy khách.

Giá vé máy bay nội địa của Thái Lan luôn thấp hơn đáng kể so với Việt Nam nhờ vào các chiến lược thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. Điều này dẫn đến giá vé có thể rẻ hơn đến 50% cho những du khách tìm kiếm các lựa chọn tiết kiệm. Với mức giá cạnh tranh như vậy, các hãng hàng không Thái Lan giá rẻ đã trở thành một lựa chọn cho những người muốn đi máy bay ở Thái Lan với chi phí thấp nhất.

Đương nhiên, những ai lựa chọn du lịch tiết kiệm ở Việt Nam đều có thể bay với Vietjet - rẻ hơn Vietnam Airlines, nhưng phải chấp nhận chuyện hay bị bay trễ, thậm chí hoãn cả chuyến bay. Tuy nhiên, công ty con của Vietjet tại Thái Lan thì thường bay khá đúng giờ và giá rất rẻ!

Tác động kinh doanh

Giá vé hấp dẫn của Thái Lan có thể được quy cho việc thuế và phí hàng không thấp hơn cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hàng không. Chính phủ Thái Lan đã tung ra các sáng kiến chiến lược nhằm củng cố lĩnh vực này để hỗ trợ cho du lịch. Qua đó, giúp việc đi lại bằng máy bay trở nên dễ tiếp cận hơn cho mọi người, không riêng gì du khách.

Theo báo Nation (Thái Lan), Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã phát động một sáng kiến tham vọng mang tên "Kích hoạt Du lịch Thái Lan" (Ignite Tourism Thailand) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Đất nước Nụ cười. Chiến dịch này nhằm đem lại 3,5 nghìn tỷ baht (khoảng 96 tỷ USD) doanh thu ngay trong năm nay và, kể từ năm 2030 thì thu hút hơn 150 triệu lượt khách dùng máy bay hằng năm.

Để đạt hai mục tiêu trên, kế hoạch của sáng kiến sẽ tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm cho du khách thông qua việc quảng bá các điểm đến độc đáo; mở rộng các tuyến du lịch - có tích hợp với các nước Đông Nam Á; tổ chức các sự kiện đẳng cấp thế giới để giới thiệu di sản văn hóa Thái Lan.

Hãng tin Bloomberg cho biết thêm là Thủ tướng Srettha Thavisin đã công bố một mục tiêu đầy tham vọng là biến Thái Lan thành một trung tâm hàng không và một trong năm trung tâm phân phối hàng hóa hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, thị trường hàng không của Việt Nam chủ yếu bị chi phối bởi hai hãng - Vietnam Airlines và Vietjet Air; hai hãng đang chiếm đến 90% thị phần đi lại bằng máy bay, dẫn đến việc thiếu cạnh tranh và giá vé cao hơn. Sự độc quyền này cho thấy tầm quan trọng của việc các cơ quan quản lý cần thúc đẩy sự công bằng trong các ngành công nghiệp nói chung như thế nào.

Tăng thêm cạnh tranh

Theo dự kiến, Thái Lan sẽ chào đón thêm chín hãng hàng không mới trong năm nay, theo báo Nation. Và như thế sẽ chỉ làm tăng thêm cạnh tranh trong thị trường hàng không.

Hiện giờ, trong số các đối thủ nổi bật có Thai Vietjet Air - công ty con của Vietjet Air ở Thái Lan và Thai Air Asia (công ty con của AirAsia thuộc Malaysia). Cả hai đều được xem như thuộc vào số những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của Thái Lan, cung cấp cả giá vé phải chăng và chất lượng dịch vụ xuất sắc. Riêng đối với Thai Vietjet Air thì khi so với hoạt động của công ty mẹ ở Việt Nam, thấy rất rõ công ty con này hoạt động quá vượt trội. Bụt nhà không thiêng?

Hàng không giá rẻ của Việt Nam - trên thực tế do Vietjet độc chiếm - hoạt động với số lượng máy bay ít hơn và chẳng phải đối mặt với cạnh tranh gì cả trong phân khúc giá rẻ. Do đó giá vé đương nhiên phải cao hơn, khi so với công ty con của nó ở Thái Lan.

AirAsia đã nhiều lần xin vô bay ở Việt Nam nhưng đều bị bác bỏ. Thật dễ hiểu. Gần đây nhất là hồi tháng 3 năm nay. Theo Bloomberg, trước đây, hãng gốc Malaysia này đã cố gắng bốn lần xin thành lập liên doanh hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam, nhưng lúc nào cũng thất bại.

2 Kỹ thuật số
Hàng không giá thấp nhưng kỹ thuật số cao: khách tự làm vé. Ảnh: Ngọc Trân

Không nên độc quyền

AirAsia đang hoạt động tại Malaysia và thông qua các công ty con tại Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Đối với Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ này không có pháp nhân nhưng vẫn thực hiện các chuyến bay quốc tế bằng máy bay đăng ký ở nước ngoài. Hằng tuần, có khoảng 117 chuyến bay kết nối các thành phố Việt Nam với một số thành phố của Thái Lan lẫn Malaysia, với giá vé quá rẻ, theo Bloomberg.

AirAsia đã nhanh chóng phát triển và trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á với chất lượng dịch vụ khá tốt. Đây là hãng hàng không lớn nhất tại Malaysia và lớn thứ tư ở châu Á với đội bay gồm 200 máy bay.

Hãy trở lại với thị trường hàng không Thái Lan. Nói chung, nó đã tăng trưởng đáng kể. Cơ quan Sân bay Thái Lan (AOT) cho biết, trong năm 2023, có đến 100 triệu lượt hành khách đi qua các sân bay và dự kiến sẽ cao hơn nữa, khoảng 130 triệu hành khách vào năm nay.

Sự khác biệt giữa các chính sách du lịch kết quả không cao của Việt Nam so với những chính sách được thực hiện bởi Thái Lan cho thấy sự thành công của đất nước này trong việc thu hút du khách nước ngoài. Theo dự báo của chính phủ Thái Lan, nước này sẽ đón tiếp hơn 40 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2024 - gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Cách tiếp cận của Thái Lan trong việc thúc đẩy du lịch và hàng không thông qua các chính sách hỗ trợ đã dẫn đến việc đi lại bằng đường hàng không trở nên dễ tiếp cận hơn. Qua đó, còn mở rộng được cả hai lĩnh vực. Thật đáng để tham khảo.

NGỌC TRÂN