Hồn quê trên phố

HỒ QUÂN 11/06/2024 09:00

Một người nặn tò he, bày bán giữa phố Tam Kỳ thu hút mọi ánh nhìn. Đó là đôi mắt tròn xoe của những đứa trẻ ở phố về thứ đồ chơi lạ lẫm. Là ký ức tuổi thơ của người đi ra từ những ngày cơ cực.

to-he-12.jpg
Tò he là trò chơi tuổi thơ của nhiều thế hệ. Ảnh: H.Q

Nhặt miền ký ức

Tôi và nhiều người trạc tuổi, khi ngang qua gian hàng tò he phải tấp xe vào lề, tò mò về những món đồ chơi đầy màu sắc này. Cầm trên tay con tò he và cố lục lại ký ức, song chẳng thể nhớ nổi thời điểm gần nhất chúng xuất hiện trong tầm mắt.

Chừng như nhịp sống phố thị hối hả, những món đồ chơi thời bé con này đã bị thay thế bằng nhiều thứ khác, lấp lánh, hiện đại hơn. Rất nhiều nghệ nhân dù rất tâm huyết với nghề truyền thống này cũng chẳng thể bám trụ…

Và hôm nay, sự xuất hiện của người nặn tò he như kéo bầu trời tuổi thơ trở lại, để những người ở phố sống chậm trong những câu chuyện ngày cũ.

Tò he là chủ đề mà 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Tài (ở TP.Tam Kỳ) đã trò chuyện liên tục suốt đoạn đường từ nhà đến vị trí gian hàng xuất hiện – ngã tư Hùng Vương - Huỳnh Thúc Kháng. Bầu trời tuổi thơ của mẹ trở nên mới mẻ với con. Ánh mắt của 2 mẹ con dán chặt vào đôi tay của người nghệ nhân đang nắn nót, tạo hình.

Chị Tài kể: “Ngày bé, tò he cũng là món trò chơi “xa xỉ”, dành dụm rất lâu mới mua được. Trong lớp, đứa nào có là y như rằng cả đám xúm xít, trầm trồ, chạm tay vào thử… Cảm giác ấy, đã qua mấy mươi năm rồi, nhưng cứ ngỡ mới hôm qua”.

to-he-2(1).jpg
Những con tò he nhiều màu sắc, ngộ nghĩnh. Ảnh: H.Q

Đám trẻ loay hoay tìm một con tò he mình thích nhất giữa đám khỉ, heo, siêu nhân, tiên cá… đang chen chúc cắm trên giá; còn người lớn tranh thủ hàn huyên. Họ, chẳng ai quen biết nhau, nhưng lại chung một miền ký ức.

Chị Nhàn – một người dân ở Tam Kỳ chia sẻ, phần lớn trẻ con ở phố chỉ còn biết đến tò he qua sách, báo. Nhiều lần con tò mò hỏi, nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”. Dẫn con đi xem và mua tò he, để các con biết cha mẹ, ông bà đã có tuổi thơ thiếu thốn nhưng nhiều kỷ niệm khó quên.

Trò chơi ngày trước là những món được tạo ra từ đôi tay khéo léo, óc sáng tạo từ những chất liệu trong đời sống thường ngày, khác với trò chơi điện tử hay chất liệu nhựa công nghiệp hiện đại. Cuộc sống phố thị dẫu phát triển đến nào, song miền ký ức vẫn luôn ở đó, trong những món đồ chơi tuổi thơ này.

Giữ “hồn quê” cho phố

Ông Lê Minh Thạnh (chủ gian hàng tò he) chẳng nhớ đã mang nghề này đi qua biết bao nhiêu thành phố, dọc dải đất miền Trung đến tận các tỉnh miền Nam. Song, đến đâu, nghề của ông luôn được đón nhận bằng những tình cảm đặc biệt từ cả trẻ con lẫn phụ huynh.

to-he-11.jpg
Ông Lê Minh Thạnh là một trong số ít người vẫn giữ nghề làm tò he. Ảnh: H.Q

Ông Thạnh sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên ở TP.Đà Nẵng. Như bao đứa trẻ khác, màu sắc, hình dáng ngộ nghĩnh của tò he khơi dậy tò mò trong “cậu bé” Thạnh. Tình yêu với nghề truyền thống này nhen nhóm, lớn dần và cuối cùng là quyết tâm theo nghề.

Hơn 30 năm, trải qua không ít thăng trầm với con tò he, nhất là khi phải “giữ nghề” giữa nhịp sống hiện đại, đã dẫn lối ông tới quyết định: phải thay đổi chất liệu của sản phẩm tâm huyết một đời này.

Sau rất nhiều năm trăn trở, ông đã thành công khi tìm ra loại đất Nhật có tính an toàn, màu sắc đẹp, phù hợp để nặn tò he. Khác với chất liệu bằng bột bếp chỉ có thể chơi được trong ngày, thì tò he bằng đất Nhật có thể giữ mãi với thời gian.

“Nếu chơi chán hoặc hư hỏng, trẻ con có thể đến đổi bằng những con tò he ngang giá. Tôi cam kết bảo lưu trọn đời với sản phẩm đã mua. Vị trí bày hàng mỗi ngày sẽ được tôi cập nhật trên địa chỉ facebook Tò He Đà Nẵng” – ông Thạnh nói.

Với chất liệu và cách bán hàng mới, trong 1 năm nay, cả nhà ông Thạnh không còn bôn ba khắp nơi kiếm sống. Chỉ cần bày hàng ở 2 địa điểm TP.Đà Nẵng và TP.Tam Kỳ mỗi tháng đã không xuể việc.

Ông tâm sự, đã có nhiều đơn vị du lịch mời ông tham gia trong chuỗi sản phẩm phục vụ du khách trải nghiệm, nhưng ông từ chối. Với ông, giữ nghề, mang đến niềm vui cho con trẻ ở phố có giá trị hơn gấp nhiều lần.

to-he-8(1).jpg
Lưu giữ nghề truyền thống này chính là giữ ký ức tuổi thơ cho trẻ. Ảnh: H.Q

Đến với Tam Kỳ chỉ vài tháng gần đây, nhưng được trẻ con đón nhận khiến ông Thạnh “mát ruột”. Có trường đã đưa học sinh đến trải nghiệm như tiết học thực hành. Có đứa trẻ một ngày đến đổi tò he 4, 5 lần nhưng ông Thạnh rất vui vẻ. Người đàn ông này cũng đang ấp ủ dự định mở những lớp dạy nặn tò he miễn phí cho trẻ.

Ông cho biết, tò he tất nhiên không hấp dẫn, thu hút bằng muôn ngàn thú vui ở phố, nhưng chỉ cần chinh phục được tầm mắt của trẻ thì “di sản phi vật thể” này sẽ sống với thời gian.

Cuộc sống càng hiện đại thì những giá trị cũ lại càng đáng quý, trở thành sợi dây cố kết cộng đồng. Những người như ông Thạnh vẫn miệt mài trên phố, nặn ký ức tuổi thơ cho nhiều thế hệ….

HỒ QUÂN