Nhớ về cội nguồn

Thương hoài hương mít Chợ Chùa

LÊ VĂN VINH 11/06/2024 10:12

Nức tiếng gần xa bao đời nay, mít Chợ Chùa (xã Tam Quang, Núi Thành) vẫn vẹn nguyên mùi hương một thuở.

Làng Chợ Chùa thuộc thôn Xuân Trung, xã Tam Quang nằm cuối hạ lưu của nhánh sông Trường Giang, tựa lưng vào biển Rạng . Cây trái được thẩm thấu bởi vị nước lợ của dòng sông Trường Giang và vị mặn từ biển Rạng nên có hương vị khá riêng, nhất là đối với cây mít. Mít Chợ Chùa có mùi thơm khó cưỡng, múi mít dày mọng nước mật, vị ngọt thanh.

Trở lại Chợ Chùa sau nhiều năm, thật ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê thuần nông. Con đường tỉnh lộ 618 cắt ngang quả đồi đất đỏ xuyên ra tận cảng cá Tam Quang đi qua 4 thôn thuộc xứ Chợ Chùa. Làng xóm như lùi vào bên trong nhường đất cho con đường rộng mở, để lại bên kia một con đường bê tông ĐH6 cũ song song với con đường mới.

Xóm nhỏ Chợ Chùa xưa nằm ở hai bên con đường ĐH6 này, càng đi sâu vào làng men qua những con đường nhỏ đầy sỏi đất ta mới cảm nhận được hết sự yên bình vốn có của một vùng quê, xen lẫn bóng cây phủ lá là những chiếc giếng làng xưa còn lại. Nơi đây nhà nào cũng có một khu vườn nhỏ trồng khá nhiều loài cây đặc biệt là cây mít.

Ông Trần Sanh (71 tuổi) ở thôn Xuân Trung chia sẻ: “Mít ở đây mùa nào cũng ngon, vườn tôi qua bao lần cải tạo, trồng mới song vẫn giữ lại vài cây mít, ngoài giữ kỷ niệm của cha ông cây mít còn cho bóng mát đồng thời sử dụng thân mít làm gỗ”.

Ông Sanh cho biết thêm, vùng này nhà nào cũng có ít nhất vài cây mít, riêng vườn nhà ông hiện nay có hơn 10 gốc mít 20 năm. Hằng năm ngoài hái cho gia đình, con cháu, còn lại thương lái đến tận nhà hái mua, giá hiện nay mít chín bán tại vườn 15.000/kg.

Bà Ngô Thị Kỳ (63 tuổi) ở thôn An Tây cho hay, hiện nay mít Chợ Chùa có giá, thương lái săn lùng vì thế cần phải biết phân biệt đâu là mít Thái, mít lai, mít nơi khác mang đến bày bán hai bên đường tỉnh lộ 618.

Mít Chợ Chùa vỏ có màu nâu gỗ, hình thù cong vẹo chứ không tròn trịa, múi mít có màu vàng ươm, mùi hương thoảng nhẹ, ngọt thanh. Mùa mít chín bắt đầu từ tháng 2, 3 âm lịch kéo dài đến cuối thu hằng năm. Mít ngon Chợ Chùa còn tùy thuộc vào cây giống nhưng đa phần đều thơm ngon, mùi vị đặc trưng riêng biệt.

Xa xứ để vào TP.Hồ Chí Minh làm ăn từ thời còn trai trẻ, ông Nguyễn Thế Dương (69 tuổi) nói, mỗi lần nghe mùi hương mít chín là nỗi nhớ nhà cồn cào trỗi dậy.

“Tuổi thơ tôi đã gắn liền với mảnh vườn ngoài quê, mùi hương cây trái thân quen trong đó mùi mít chín đã theo tôi vào tận xứ người bao năm nay. Hương mít và đĩa mít non trộn ruốc trong gánh hàng rong ngoài biển Rạng chính là mùi của quê hương Chợ Chùa yêu dấu” - ông Dương nói.

Mãi đến nay người dân Chợ Chùa trồng mít không vì kinh tế nên diện tích trồng không nhiều, mỗi vườn dăm ba cây. Họ coi nó như một cây trái hiển nhiên cần phải có và không thể thiếu trong vườn, tạo nên nét riêng cho xứ Chợ Chùa xưa và nay.

LÊ VĂN VINH