Nhớ người chép sử làng
(VHQN) - Trong quá trình điền dã tìm tư liệu để viết cho chuyên mục “Đất và Người xứ Quảng” của Báo Quảng Nam, tôi gặp nhiều vị cao niên nặng lòng với quê xứ. Câu chuyện của họ, cũng chính là chuyện của đất của làng...
Thầy giáo làng
Tên ông là Lê Văn Phu (mất năm 2019), vừa dạy học vừa đi khắp quê mình để sưu tầm những tư liệu văn hóa dân gian. Người thầy giáo cao niên ấy lấy bút danh là Phú Văn - trong đó có chữ Phú lấy từ địa danh Phú Hưng, tên xã cũ của quê ông.
Vị thầy già dồn hết tâm lực lúc nghỉ hưu viết ba tập “Khúc dân ca”, “Quê nội”, “Chuyện cũ làng quê xưa”. Ba tập sách ghi lại tư liệu về các làng cũ có tên Phú Hưng, Vĩnh An, Tịch Đông, Thạch Kiều, Bích Ngô, Khương Mỹ… ở phía nam sông Tam Kỳ mà cả đời ông miệt mài tìm hiểu.
Kết nối ký ức của thế hệ trước mình, thầy Phu đã chỉ ra tên ban đầu của quê ông là xã Tân Khương, sau đổi thành Phú Khương rồi đổi thành Phú Hưng. Tên cuối cùng là Tam Xuân - được giữ mãi đến bây giờ.
Tiếp tục kết quả ban đầu của thầy Phu, tôi miệt mài tìm các tư liệu chữ Nho còn lưu ở địa phương và đã tìm được nhiều văn bản chứng minh sự chuyển đổi tên của các xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 huyện Núi Thành qua từng thời điểm.
Những cụ ông - những “pho sử sống” đã “sống thác với làng”. Trong từng câu chuyện, tư liệu họ kể, qua “lời chép” của tác giả Phú Bình - Lê Đình Cương, người đọc dễ dàng hình dung lai lịch của những ngôi làng có từ thời mở cõi của vùng phía Nam xứ Quảng.
Như một nhịp cầu, những tên đất tên làng, hay lớn hơn, là linh hồn, ý nghĩa và sự định danh của đất đai quê hương được tiếp nối nghiêm cẩn, xuyên suốt, từ thế hệ những cụ ông Ngô Duy Trí, Trần Văn Truyền... rồi đến Phú Bình, Hải Triều, Phạm Hữu Đăng Đạt.
Họ - có người đã về trời, có người còn mẫn tiệp để kể lại những câu chuyện cũ, như tác giả Phú Bình. Nhưng liệu sau họ, còn mấy ai đủ tâm huyết để đi đến tận cùng... nguồn cơn những tên đất, tên làng? (XUÂN HIỀN)
Người cựu tù Côn Đảo
Ông là Trần Văn Tuyền, còn có tên là Truyền; thời kháng chiến 1954-1975, ông còn dùng chữ Hương và chữ Trà lấy từ tên ấp cũ của quê ông (nay là khối phố Hương Trà Đông và Hương Trà Tây của phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ) làm bí danh hoạt động.
Năm 1985 ông nghỉ hưu. Hưu nhàn, ông tích cực tìm hiểu tư liệu chữ Nho còn sót lại để làm căn cứ phục dựng phế tích đình xã Tam Kỳ xưa vốn tọa lạc ở ấp Hương Trà. Kêu gọi từ nhiều nguồn tài chính, chủ yếu từ người trong ấp, ông huy động dựng lại ngôi đình từ bộ sườn gỗ cũ. Hoàn thành, ông đề nghị đặt tên “Hương Trà” thay thế tên đình xã Tam Kỳ cũ.
Theo ông, phạm vi xã Tam Kỳ xưa đến nay mở quá rộng, cần dùng tên Hương Trà là nơi cư ngụ đầu tiên của cư dân từ huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ để định danh.
Mọi người tán thành ý kiến của ông. Nhờ đó, thêm một lần, cái tên một ấp nhỏ tưởng chỉ còn lưu truyền trong dân gian sau bao lần thay đổi theo địa giới hành chính đã trở thành một địa danh xưa còn lưu giữ chính thức.
Ông Tuyền mất năm 2023, lá triệu làm lễ đặt trên quan tài ông trong giờ an táng có ghi rõ mấy chữ Nho sau tên tuổi người đã khuất “Hương Trà ấp, Hòa Hương phường, Tam Kỳ thành phố”- một tên ấp đã đi theo người con tận tụy của làng đến phút cuối cùng.
Ông bí thư họ Trà
Ông tên Trà Xuân Hinh, tập kết ra Bắc từ năm 1954. Sau năm 1975, trở về phục vụ công tác tại phường Phước Hòa, thị xã Tam Kỳ. Người viết chỉ được tiếp cận tư liệu do ông sưu tầm hoặc chép lại từ gia đình.
Qua đó, biết được một chi tiết thú vị: Khoảng những năm sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, địa phương ông có chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan; nhân đó những người cuồng nhiệt đã tiện tay đập bỏ các văn tự chữ Nho trên các kiến trúc đình miếu.
Ông Hinh cũng ít nhiều tham gia việc đó; và, do rành rẽ chữ Nho, ông đã âm thầm sao lưu các câu đối, hoành phi, bài vị, bài văn cúng có giá trị.
Mãi đến sau khi ông qua đời (2010), người nhà giở những tư liệu ấy cho chúng tôi xem, mới sững sờ phát hiện nhiều ghi chép quý có liên quan đến nguồn gốc tên làng, kiến trúc thờ tự và tập quán văn hóa của thôn Tứ chánh Bàn Thạch (nay thuộc hai phường Phước Hòa và Hòa Hương). Trong ghi chép của mình, ông Hinh ước đoán tên thôn nói trên có gốc gác từ rất xưa.
Nối tiếp ông, qua các văn bản chữ Nho tìm thấy ở xã Tam Kỳ và Tứ Bàn xưa, người viết đã chứng minh được tên ban đầu của nơi này là “man Suối Đá”- một cái tên được học giả Lê Quý Đôn ghi nhận từ năm 1776 trong cuốn “Phủ biên tạp lục”.
Ông cán bộ hợp tác xã
Sườn phía đông bắc ngọn núi có tháp truyền hình cao nhất Quảng Nam là nhà cụ Ngô Duy Trí (cán bộ tập kết, ông mất năm 2015).
Từ tỉnh Thái Nguyên ở miền Bắc trở về sau tháng 4/1975, ông Trí tham gia việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương. Quê ông, xã Tứ chánh An Hà tiếp giáp với đầm Chiên Đàn từng được ghi danh vào sử xưa.
Nhờ vốn chữ Nho có từ trước, ông lặng lẽ đọc từng trang địa bộ của làng lập năm Gia Long 1807 còn lưu, ghi diện tích từng mảnh ruộng đất trong làng để giúp cán bộ hợp tác xã nông nghiệp địa phương đối chiếu với thực tế.
Từ tên các chủ đất có từ đầu thế kỷ 19, ông đã liên hệ với các tộc họ giúp đối chiếu gia phả để xác định thời điểm sống của từng cá nhân trong tộc qua các đời. Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu gia phả các tộc họ sống chung quanh vụng đầm Chiên Đàn mà về sau quen gọi là Bãi Sậy - Sông Đầm.
Liên kết các phả chí, ông đã dựng lại hành trình lập làng của cư dân làng An Hà và các làng Mỹ Cang, Thạch Tân, Vĩnh Bình, Tân An, Ngọc Mỹ, Quảng Phú lân cận.
Qua tập “Ngô Duy Trí kể chuyện” của ông, đất và người của các xã phường vùng đông thành phố Tam Kỳ từ thời mở đất hiện lên rất rõ ràng. Kế thừa và tìm hiểu sâu thêm từ các nghiên cứu của ông, người viết đã có thể phác họa một bức tranh sống động về vùng đất quanh đầm Chiên Đàn - huyện Hà Đông xưa, vốn từng một thời thuộc về huyện Lễ Dương của phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xưa.