Hương sắc Tết Đoan ngọ xứ Quảng
(QNO) - Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), mỗi địa phương, vùng miền có tập tục khác nhau trong mâm cúng, song đây là dịp để mỗi gia đình người Việt sum vầy ấm áp tình thân.
Ngược đò qua bãi cát bồi nằm nghiêng mình dưới rặng tre của dòng Thu Bồn, sẽ gặp chợ Đại Bình (Nông Sơn). Từ sáng sớm, các phiên chợ làng mùng 5 đầy ắp những loại nông sản như trái cây, đường, mía, sắn, khoai, bắp, các sản phẩm bánh kẹo nhà làm được bà con bày bán, trao đổi rộn ràng. Nhiều loại bánh nhà làm mang đậm tính truyền thống như: bánh in, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh chưng, chè, xôi các loại… Trong các mặt hàng thì bánh ú tro là đặc sản thu hút đông đảo người mua tại phiên chợ mùng 5.
Gia đình bà Trịnh Thị Xá (87 tuổi, tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung, Nông Sơn) có truyền thống 3 đời làm bánh ú tro. Lúc chúng tôi đến gia đình bà quây quần, gói bánh để kịp giao cho khách và mang ra chợ bán. Bà Xá truyền đạt bí quyết để con, cháu tạo ra một chiếc bánh ú tro vừa ngon, vừa đẹp.
Chị Trần Thị Sanh, con dâu bà Xá cho biết, từ ngày về làm dâu chị đã biết gói bánh ú tro và đến nay ngót nghét cũng 20 năm. Nghề gói bánh ú tro đã giúp gia đình cải thiện đáng kể nguồn thu nhập mỗi năm. Theo chị Sanh, để chuẩn bị cho những mẻ bánh ngon, cả gia đình đã chuẩn bị cách đó hàng tháng trời, từ lá gói, nguyên liệu làm bánh, nồi niêu, xoong chảo, nồi nấu bánh... Lá để gói bánh ú tro là lá đót, một loại lá ở rừng, khi gói bánh có mùi thơm đặc trưng. Lá được cắt gọn vừa khuôn khổ rửa sạch, trụng để ráo.
Ngoài bánh ú tro thì bánh ít cũng là loại bánh được ưa chuộng trong dịp Tết Đoan ngọ. Lá gai là một loại lá dùng làm nguyên liệu cùng với bột nếp để gói bánh ít được sơ chế sạch sẽ. Nhân bánh được rim với đường, sau đó trộn với bột nếp, nhân có thể đậu phộng hoặc đậu xanh, sau khi gói trong lá chuối đem hấp, khi nào dậy mùi thơm, bánh chín mềm, dẻo là được. Cứ dịp mùng 5, nhà chị Trần Thị Sanh gói để ăn, thờ ông bà tổ tiên, đem biếu, bán.
Mỗi vùng miền có tập tục khác nhau, nhưng dù làm gì, ở đâu không khí Tết Đoan ngọ cũng rộn ràng, trở thành nét đẹp văn hóa, truyền thống của xứ Quảng. Ngày Tết Đoan ngọ, nhà nhà quây quần bên nhau, nhớ về tổ tiên, cội nguồn…
Sau khi trả xong các đơn hàng bánh ú tro, bánh ít cho khách, chị Thái Thị Xíu (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn)) cũng chuẩn bị cho nhà mình một mớ lá mùng 5, tức lá cây rừng được chặt nhỏ phơi khô làm nước uống. Lá mùng 5 sau khi cắt, bứt về, trưa nắng 12 giờ (đúng ngọ) thì lá mới thơm ngon, giàu vị thuốc. Lá mùng 5 là tên gọi chỉ các loại thảo dược như đinh lăng, chè, lá sả, lá ngãi cứu, lá ổi, lá vối, lá vằng… Chị Xíu cho biết, đây là những vị thuốc nam có thể trị bệnh các bệnh mất ngủ, nóng gan hay đường ruột, tiêu chảy...
Các chợ mùng 5 tự phát cũng mọc lên trên trục đường ĐT609B qua Gò Muồng, Trung An (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc). Người dân nơi đây còn dựng lò nấu bánh trên vỉa hè các trục đường. Bánh thơm lừng, nóng hổi vừa ra lò đã được thương lái đến thu mua, vận chuyển trên các xe tải, xe máy. Người đi đường cũng tranh thủ ghé các điểm nấu bánh mua lẻ để đem về thờ cúng, ăn, làm quà biếu tặng.
Từ mùng 2 đến sáng mùng 5, các lò nấu bánh ú tro ở Đại Lộc luôn đỏ lửa đêm ngày. Trung bình mỗi lò nấu bánh có thể cung ứng ra thị trường hàng nghìn chiếc bánh cho tới vài chục nghìn chiếc bánh ú tro truyền thống (không nhưn) lẫn bánh có nhưn (đậu đen). Những con đường nấu bánh, những lò bánh ú tro mọc lên tạo nét đẹp văn hóa truyền thống Tết Đoan ngọ.